Ngân hàng, bất động sản phát hành hơn 14 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong tháng 8

Nhóm ngân hàng đã phát hành 10.303 tỷ đồng trong tháng 8, chiếm tỷ trọng 38,69%; tiếp đến là nhóm bất động sản đã phát hành 3.771 tỷ đồng, chiếm 14,16%.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có báo cáo tổng hợp tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại sở trong tháng 8/2019.

Theo đó, trong tháng 8/2019 có 80 đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp với giá trị đăng ký 32.037 tỷ đồng. Trong đó có 60 đợt phát hành của 33 doanh nghiệp diễn ra với giá trị đạt 26.629 tỷ đồng.

Kỳ hạn phát hành bình quân là 3,6 năm. Phổ biến nhất vẫn là kỳ hạn 2 năm với tổng giá trị phát hành 11.041 tỷ đồng, vùng lãi suất phát hành dao động từ 6-12,3%/năm. Mức lãi suất 12%/năm cũng xuất hiện ở trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Đáng chú ý, lãi suất cao nhất lên tới 13,5% có ở trái phiếu có kỳ hạn 1 năm (8,5%-13,5%).

Xét về loại hình doanh nghiệp, nhóm ngân hàng đã phát hành 10.303 tỷ đồng trong tháng 8, chiếm tỷ trọng 38,69%; tiếp đến là nhóm bất động sản đã phát hành 3.771 tỷ đồng, chiếm 14,16%; nhóm chứng khoán phát hành 629 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,36%. Lãi suất phát hành bình quân nhóm bất động sản cao nhất trong 3 nhóm trên với mức 10,58%.

Lũy kết từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có 534 số đợt đăng ký, tổng giá trị đạt 239.226 tỷ đồng. Trong đó, số đợt phát hành thành công là 394, tương đương giá trị thu về 157.901 tỷ đồng, với 136 doanh nghiệp tham gia.

Trước đó theo Thống kê của Bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng mạnh lên mức khoảng 10,2% GDP từ mức 8,6% hồi đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công văn gửi các ngân hàng thương mại trong nước yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, Đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, phù hợp với các đặc điểm hoạt động kinh doanh của ngân hàng và theo đúng Thông tư số 22/2016.

Các ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành.

Đồng thời, các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại phải tăng cường kiểm tra, giám sát sau cho vay, tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát nợ nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định và hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng; nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Tập trung rà soát việc đầu tư trái phiếu chuyển đổi với các doanh nghiệp có số dư lớn.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, trái phiếu doanh nghiệp là công cụ cho các doanh nghiệp quy mô lớn, trong đó việc huy động vốn dài hạn thông qua kênh trái phiếu là kênh mà các doanh nghiệp bất động sản cần phải tính đến. Tuy nhiên, trái phiếu không phải là sân chơi của nhà đầu tư cá nhân vì rất rủi ro do trái phiếu doanh nghiệp thường huy động trong thời gian dài, thường phải 2 – 5 năm, nên khó có thể rút vốn khi cần.