Nên nhìn nhận như thế nào về thị trường condotel sau “biến cố” Cocobay?

Phân khúc condotel đang trở thành chủ đề nóng trong thời gian gần đây sau khi dự án Cocobay Đà Nẵng ra thông báo ngừng chi trả thu nhập cam kết với các khách hàng. Tương lai sản phẩm này sẽ ra sao sau cú vỡ trận mang tên Cocobay?

Nên nhìn nhận như thế nào về thị trường condotel sau “biến cố” Cocobay?

Tại Diễn đàn Bất động sản thường niên lần thứ 2 sáng ngày 27/11, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã nói về những bất cập diễn ra trong thời gian gần đây liên quan đến phân khúc condotel khi một số dự án như Cocobay rơi vào tình trạng vỡ trận.

Theo ông Nam, là một trong những loại hình sản phẩm mới giàu tiềm năng, nhiều dư địa phát triển và đặc biệt có những đóng góp không nhỏ cho sự bứt tốc của ngành du lịch thời gian vừa qua, nhưng codotel lại gặp nhiều bất trắc khi tới nay vẫn chưa có một khung pháp lý định hình cho loại hình sản phẩm này.

ảnh 1

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Ông Nam cho biết, từ đầu năm 2017, khi phân khúc này còn đang sốt, Hiệp hội đã bắt đầu đề cập đến khoảng trống pháp lý của loại hình sản phẩm “con lai” này sẽ là những rào cản và rủi ro cho thị trường sau này khi quyền lợi của các nhà đầu tư tham gia vào sản phẩm này không được đảm bảo.

Trong khi đó, các nhà phát triển cũng rơi vào tình cảnh “hồi hộp và lo lắng” do pháp lý không đảm bảo, sẽ khó đảm bảo được khai thác và thực hiện cam kết dòng tiền với khách hàng một cách ổn định. Ngay cả với cơ quan quản lý cũng lúng túng trong việc quản lý hoặc dàn xếp khi có những tranh chấp xảy ra giữa chủ đầu tư và các nhà đầu tư.

Các bộ, ngành có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có ý kiến về sự đồng thuận trong việc cần thiết xây dựng khung pháp lý cho condotel, tuy nhiên, đến nay sau gần 3 năm, việc định danh vẫn chưa thực hiện được.

Tới nay, sau khi vụ Cocobay Đà Nẵng nổ ra, vấn đề này lại một lần nữa được nhắc tới và rất nhiều người cho rằng, hiệu ứng ngừng cam kết chi trả lợi nhuận của Cocobay Đà Nẵng sẽ gây ra hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền cho rất nhiều dự án condotel hiện hữu khác có trên thị trường và cũng có mức cam kết cao tương tự.

Tuy nhiên, việc Cocobay chuyển đổi từ condotel thành chung cư và khách hàng có thể trả lại sản phẩm, chí ít cũng đảm bảo được quyền lợi của khách hàng khi thực tế dự án không mất, sản phẩm không mất, tiền mua không mất, chỉ có lợi nhuận giảm đi.

ảnh 2

“Ở đây, rủi ro từ câu chuyện không hoàn thành cam kết với khách hàng ở dự án Cocobay chỉ là rủi ro nhỏ và chỉ mang tính chất cá biệt. Còn thực tế, condotel nếu xét về cách thức triển khai hay huy động vốn thì rõ ràng hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014, thậm chí nó còn là sản phẩm đầu tư thông minh cho nhà đầu tư. Quan trọng nằm ở việc các chủ đầu tư cam kết như thế nào và liệu mức cam kết đó có phù hợp không”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cho biết thêm, bản thân nhà đầu tư các nhà đầu tư mua bất động sản nghỉ dưỡng thường nhìn vào cam kết lợi nhuận để xuống tiền mà không rõ bản chất nguồn tiền từ đâu mà có. Lợi nhuận cao, lãi suất cao, kỳ vọng cao thì sẽ phải đi cùng với rủi ro cao và khi không đảm bảo được điều đó, các nhà phát triển dự án như Cocobay buộc phải đưa ra giải pháp ngừng cam kết chi trả thu nhập và chuyển đổi công năng dự án. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với các dự án khác cũng rơi vào tình trạng như vậy.

Đồng quan điểm, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn CEO cho rằng, condotel thực tế là một xu hướng đầu tư thời đại khi chia sẻ rủi ro và cả lợi nhuận giữa chủ đầu tư và những người có tiền nhàn rỗi.

Với tốc độ tăng trưởng du lịch đang ngày càng nở rộ, sự ổn định về các yếu tố kinh tế vĩ mô, condotel thực sự có nền tảng để phát triển và có thể mang lại giá trị thặng dư không chỉ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cho sự thay đổi về diện mạo du lịch. Có điều vấn đề nằm ở việc cách nhìn nhận của các cơ quan quản lý đối với loại hình sản phẩm này như thế nào.

Một nền tảng pháp lý ổn định sẽ giúp các doanh nghiệp tự tin hơn trong công tác triển khai đi cùng với sự thận trọng và tính toán một cách kỹ càng hơn, từ đó cũng đảm bảo hạn chế những rủi ro về tranh chấp với những nhà đầu tư tham gia vào phân khúc này.

ảnh 3

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn CEO


“Nói về câu chuyện condotel, tôi cho rằng trường hợp gần đây gây xôn xao là sự việc cá biệt. Bản thân condotel là tốt, có những tác động tích cực tới tăng trưởng thị trường thời gian qua. Hàng vạn sản phẩm cung cấp ra thị trường với tính thanh khỏan cao, mang tới cùng lúc 2 giá trị là dòng tiền và giá trị gia tăng”, ông Bình chia sẻ và cho biết, thủ tục pháp lý đã khá đầy đủ, nhưng các hướng dẫn thực hiện, chi tiết còn chưa rõ ràng. Nếu làm tốt, condotel vẫn có tiềm năng, thu hút dòng tiền nước ngoài và là sản phẩm du lịch rất tốt.

Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills TP.HCM, việc thị trường căn hộ nghỉ dưỡng trầm lắng không hẳn là một bước lùi của thị trường mà thậm chí có thể được xem là một bước tiến.

“Bước tiến ở đây chúng tôi không nhận định trên lượng bán, mà dành sự quan tâm nhiều hơn đến tính minh bạch và chất lượng sản phẩm trong thời gian tới. Sau một thời kỳ phát triển quá nóng, rõ ràng căn hộ nghỉ dưỡng đã bộc lộ một số thiếu sót trong quản lý và pháp lý, điều đang được các cơ quan có thẩm quyền rất quan tâm và tiến hành hoàn thiện”, bà Trang nói và cho biết, tất cả cuối cùng vẫn nhằm đến mục đích bảo vệ người mua và nâng cao sự an toàn của kênh đầu tư này.

Về phía các chủ đầu tư, theo bà Trang, đây là khoảng dừng cần thiết để có thể nhìn lại và đánh giá những thành công và hạn chế của các dự án đã phát triển trong thời gian qua, từ đó hoàn thiện sản phẩm và pháp lý đề có thể thu hút và tiếp tục nâng cao niềm tin của người mua. Thị trường tương lai do đó đang được trông đợi sẽ ngày càng minh bạch và chuyên nghiệp hơn.