Loship muốn hỗ trợ Đồng Nai và Cần Thơ ‘đi chợ hộ’

Shipper Loship đang giao hàng hóa thiết yếu. Ảnh: Loship - WikiLand

Hiện một số nơi phong tỏa nghiêm ngặt như TP Biên Hòa và Cần Thơ cũng đã triển khai mô hình đi chợ hộ cho người dân, tương tự như TP HCM. Do đó, Loship muốn chia sẻ nguồn lực và tài nguyên cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẵn có của doanh nghiệp, phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai mô hình đi chợ hộ cho người dân thông qua ứng dụng.

Theo đề xuất của Loship với Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai và Cần Thơ, toàn bộ khâu đi chợ hộ sẽ được thao tác, kết nối và quản lý trên ứng dụng. Người dân sử dụng ứng dụng này, nhập địa chỉ cần giao hàng và lựa chọn đơn vị cung ứng hàng hóa. Sau khi chọn mặt hàng và số lượng cần mua, người dân có thể thanh toán online hoặc bằng tiền mặt và tiến hành đặt đơn.

Các đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ theo danh sách do UBND quy định trước hoặc đã ký hợp đồng hợp tác với Loship để bảo đảm bình ổn giá. Ứng dụng này đang hoạt động trên địa bàn TP Biên Hòa và Cần Thơ với các đối tác như Co.op Mart, TH True Mart, Bách Hóa Xanh, Winmart…

Hàng hóa sẽ được hiển thị trên ứng dụng dưới dạng món lẻ hoặc gói combo. Khi người dân đặt hàng trên ứng dụng, đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ nhận được thông báo và chuẩn bị hàng theo chủng loại, số lượng được đặt và chờ tài xế đến lấy hàng để giao.

Shipper Loship đang giao hàng hóa thiết yếu. Ảnh: Loship - WikiLand

Shipper Loship đang giao hàng hóa thiết yếu. Ảnh: Loship

Về lực lượng giao hàng, Loship cho biết, công ty có thể vừa chia sẻ hạ tầng công nghệ, vừa cung cấp nguồn nhân lực miễn phí hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu. Theo đó, đội ngũ shipper của Loship sẽ được sử dụng làm lực lượng giao hàng chính. Số lượng shipper được phép hoạt động tại từng khu vực sẽ do Sở và UBND các địa phương này đề xuất, nhằm tuân thủ đúng Chỉ thị 16.

Nếu sử dụng lực lượng giao hàng của chính quyền, Loship sẽ hỗ trợ kết nối qua ứng dụng dành cho shipper. Cán bộ đi chợ hộ sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng này và đến đơn vị cung ứng hàng hóa để nhận hàng, rồi giao cho người đặt theo đúng địa chỉ trên đơn hàng. Mỗi cán bộ đi chợ hộ có thể nhận nhiều đơn hàng trên cùng một tuyến đường để tối ưu việc giao nhiều đơn hàng cùng lúc.

Ngoài ra, Loship cũng đề xuất kết hợp cả hai lực lượng. Các đơn hàng sẽ được chuyển cho cán bộ đi chợ hộ của chính quyền trước, nhưng khi lực lượng này quá tải, Loship sẽ hỗ trợ chuyển đơn sang cho shipper công ty đảm nhận. Lực lượng shipper tham gia vận chuyển sẽ được xét nghiệm, tiêm ngừa vaccine để đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19.

Đại diện Loship khẳng định, công ty sẽ cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng cho TP Biên Hòa và TP Cần Thơ, miễn phí đăng ký và sử dụng ứng dụng cho đối tác cửa hàng, miễn phí giao hàng cho người dân. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ lực lượng đi chợ hộ sẽ có nhiều tác động tích cực.

“Với sự can thiệp của công nghệ, toàn bộ quy trình đặt hàng, mua hàng, nhận hàng và thanh toán sẽ được tự động hóa, giảm thiểu gánh nặng trong khâu vận hành, giúp cho việc lưu thông hàng hóa thiết yếu đến tay người dân nhanh chóng hơn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội”, CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung cho hay.

Trước đó, Loship cũng đề xuất cho chính quyền TP HCM mượn hạ tầng của mình để triển khai “đi chợ hộ”, đặc biệt ở những khu vực đang hạn chế shipper hoạt động. Việc này giúp người dân có thể chọn được những điểm bán gần nhà nhất để đặt hàng và thanh toán không tiền mặt, giảm tiếp xúc. Đơn vị này tự tin, phương án trên sẽ hiệu quả vì sử dụng các cửa hàng có sẵn vẫn đang hoạt động trên ứng dụng.

Tất Đạt

VNREX || ✅ Trang tin Bất Động Sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *