Lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm nghìn tỷ vì quyết định của NHNN

Ngay sau khi ban hành Thông tư 22 với nội dung siết lại một số hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, mới đây NHNN lại giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc. Quyết định này của NHNN một lần nữa sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của ngân hàng.




Giảm lãi suất dự trữ bắt buộc sau 14 năm





Cụ thể, tại Quyết định số 2497/QĐ – NHNN ban hành ngày 29/11/2019, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,8%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.



Như vậy, so với mức 1,2%/năm theo Quyết định 1716/QĐ-NHNN năm 2005, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND áp dụng theo quy định mới đã giảm tới 0,4 điểm phần trăm.



Dự trữ bắt buộc là khoản tiền mà các TCTD buộc phải gửi tại NHTW để đảm bảo thanh khoản. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc được tính bằng tỷ lệ giữa tiền gửi của TCTD tại NHTW và tiền gửi của khách hàng tại các TCTD. Các ngân hàng có thể giữ tiền mặt cao hơn hoặc bằng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc.



Ngoài tác dụng đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống tài chính, tỷ lệ dự trữ bắt buộc còn là một công cụ quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc ảnh hưởng đến hoạt động tạo tiền từ tiền cơ sở. Khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc thay đổi  đổi thì số nhân tiền thay đổi theo tỷ lệ nghịch.



Tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện nay NHNN đang áp dụng được xem là mức thấp nhất trong lịch sử và được áp dụng từ năm 2011 đến nay. Trước đây, năm 2008, khi NHNN thực hiện chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ, tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao nhất lên đến 11%. Kể từ năm 2011, NHNN không còn thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc để điều hành chính sách tiền tệ.



Hiện nay, Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không phải dự trữ bắt buộc, còn đối với các TCTD thì với các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng là 3%, trên 12 tháng chỉ có 1% đối với đồng nội tệ. Đối với đồng ngoại tệ thì tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với kỳ hạn dưới 12 tháng lên đến 7%, trên 12 tháng là 6%.



Hiện NHNN áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ cao hơn nội tệ nhằm buộc các ngân hàng dự trữ ngoại tệ nhiều hơn để giữ tỷ giá ổn định. Ngoài ra, đối với đồng ngoại tệ thì phần dư thừa được tính lãi suất 0,05%/năm, thay vì 0% như nội tệ nhằm khuyến khích các ngân hàng gửi ngoại tệ dư thừa tại NHNN.




TỶ LỆ DỰ TRỮ BẮT BUỘC THEO VĂN BẢN SỐ 1158/QĐ-NHNN





NGÀY 29/05/2018 ÁP DỤNG TỪ NGÀY 01/06/2018









Ảnh hưởng như thế nào đến các ngân hàng?





Trong những năm gần đây, lợi nhuận của các ngân hàng đều tăng rất mạnh. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Vietcombank đạt đến 14.116 tỉ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của Vietinbank cũng đạt 8.286 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Thống kê cho thấy hầu hết các ngân hàng đều có tăng trưởng lợi nhuận rất lớn.



Hiện nay, tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng thường chiếm từ 70-80% tổng nguồn vốn và với tổng tiền gửi của các tổ chức tín dụng hiện vào khoảng 8,3 triệu tỉ đồng thì tổng dự trữ bắt buộc của các ngân hàng tại NHNN khoảng 200.000 tỉ đồng. Như vậy, với việc lãi suất dự trữ bắt buộc giảm 0,4 điểm phần trăm sẽ làm cho lợi nhuận ngân hàng giảm gần 1.000 tỉ đồng. Như vậy, một số ngân hàng trước đây được hưởng lợi từ nguồn vốn “nhàn rỗi” của kho bạc từ thu thuế, vốn huy động từ phát hành trái phiếu của Chính phủ chưa giải ngân sẽ giảm đi đáng kể.



Bên cạnh Thông tư 22 và Quyết định 2497 của NHNN thì một chính sách khác được xem là tác động lớn đến các ngân hàng là Thông tư 58 của Bộ tài Chính. Theo đó, từ ngày 1/11/2019, tất cả tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước (KBNN) phải chuyển về tài khoản tại NHNN. Như vậy, với số dư tiền gửi không kỳ hạn hàng trăm nghìn tỷ đồng của KBNN đang tại các ngân hàng mại thì Thông tư này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn tại NHTM. 



Thông tư 58 cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước đang có hàng chục nghìn tỷ tiền gửi không kỳ hạn của KBNN. Bên canh đó thông tư làm giảm khả năng thanh khoản của ngân hàng.



Tuy nhiên, mặt tích cực của thông tư này là có thêm nguồn vốn cho ngân sách. Các khoản tiền gửi không kỳ hạn trước đây tại các NHTM thường không có lãi suất hoặc lãi suất rất thấp. Theo Quyết định 2497 thì lãi suất tiền gửi của KBNN tại NHNN sẽ được hưởng lãi suất 1%/năm.