Lo ngại khi chậm điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở

Lo ngại khi chậm điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở
Lo ngại khi chậm điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở
Nhiều địa phương chậm trễ trong việc phê duyệt hoặc điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở. Ảnh minh họa: Cao Nguyên

Khan hiếm nguồn cung

Thực tế, trong những năm qua, nguồn cung nhà ở tại các đô thị lớn được phát triển mạnh nhưng vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp. Sự chênh lệch cung – cầu về nhà ở đang làm mất cân đối thị trường bất động sản (BĐS), dẫn đến những hệ lụy nhãn tiền. Mà rõ nhất là giá nhà ở ngày càng tăng cao, vượt quá khả năng tài chính của đại đa số người lao động.

Nhiều dự án, khu nhà ở xây dựng xong bỏ hoang suốt nhiều năm, trong khi hàng nghìn người có khó khăn về nhà ở vẫn phải sinh hoạt ở căn nhà xuống cấp, nguy hiểm…

Báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy, trong quý IV/2022, thị trường đón nhiều cơ hội bởi đây là mùa vụ thường niên về mua sắm, đầu tư BĐS và cũng là giai đoạn dòng vốn thị trường tăng trưởng đột biến.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang tăng cường, thúc đẩy đầu tư công; thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ ổn định, an toàn và bền vững hơn;…

Tuy nhiên, thị trường cũng đối mặt với không ít thách thức như xu hướng tăng lãi suất, chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu; rào cản pháp lý chưa kịp thay đổi nhiều; lãi suất ngân hàng có thể chưa được điều chỉnh phù hợp; nguồn cung BĐS chưa được cải thiện, cơ cấu sản phẩm không đa dạng; sản phẩm đất nền tiếp tục bị quản lý chặt chẽ; hoạt động đầu cơ BĐS giảm sút khiến thị trường trầm lắng.

VARS nhận định, nguồn cung nhà ở tiếp tục khan hiếm, khả năng hấp thụ tăng nhưng không mạnh; giá nhà ở không tăng. BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn do quỹ đất còn nhiều, ưu thế khí hậu bên cạnh hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, tình trạng nguồn cung BĐS suy giảm, cơ cấu bất hợp lý, nguồn cung BĐS cao cấp, BĐS du lịch đang quá dư thừa trong khi thị trường lại thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá phù hợp, phân khúc bình dân.

Thúc địa phương để tạo nguồn cung

Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn cung nhà ở khan hiếm, trong đó việc phê duyệt hoặc điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở cũng phần nào quyết định vấn đề này.

Trong công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay vẫn còn một số tỉnh, thành phố chưa phê duyệt hoặc điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, chưa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022. Thậm chí, có địa phương thực hiện điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở không đúng quy trình theo quy định, của Nghị định số 30/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Để thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Nhà ở, các văn bản hướng dẫn nêu trên của Chính phủ và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương chưa xây dựng, phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, khẩn trương thực hiện theo yêu cầu của Bộ Xây dựng. 

Sau khi có Chương trình phát triển nhà ở phải xây dựng hoặc điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hằng năm, theo quy định cho phù hợp với Chương trình phát triển nhà ở đã phê duyệt. Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương trước ngày 30.12.2022 phải có báo cáo kết quả phát triển nhà ở trong năm 2022.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp – Ủy viên Hiệp Hội BĐS Việt Nam – cho biết, nếu sự chậm trễ phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở lặp lại sẽ khiến nguồn cung nhà ở không theo kịp nhu cầu cuộc sống. 

Vị này cho rằng, người đứng đầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và cần chủ động, kiên quyết hơn trong chỉ đạo, điều hành. Chủ trương, chính sách đầu tư phát triển nhà ở vẫn luôn được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, bởi “có an cư mới lạc nghiệp”.

“Việc phê duyệt hoặc điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở đối với từng giai đoạn nhất định là tiền đề để phát huy tốt nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để đưa các đô thị phát triển đúng định hướng, tạo sự đột phá”, ông Điệp nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM mong muốn việc xây dựng chương trình nhà ở 5 năm hay kế hoạch phát triển hàng năm của địa phương không biến thành thủ tục hành chính, rào cản làm khó cho việc chấp thuận đầu tư chủ trương của dự án.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *