Liên danh Văn Phú Invest và VCI xin đầu tư sân bay Gò Găng tại Vũng Tàu

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết liên danh CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest và CTCP Đầu tư VCI đã có văn bản gửi về tỉnh xin nghiên cứu, lập quy hoạch và đầu tư sân bay Gò Găng; nghiên cứu, lập quy hoạch và đề xuất dự án đầu tư tại khu đất sân bay cũ thuộc TP Vũng Tàu.

Trước đề xuất trên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Vũng Tàu và các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét để liên danh này được tiếp cận thông tin, nghiên cứu, lập quy hoạch, đề xuất ý tưởng đầu tư; tham mưu trình UBND tỉnh.

capture-png56-3891-1570807345.png

Sân bay Vũng Tàu

. Ảnh: Tạp chí GT

Được biết, vào tháng 9 năm ngoái, liên danh CTCP Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng (MHDI) và CTCP Đầu tư xây dựng thương mại Sông Hồng (Song Hong ICT) cũng đề xuất đầu tư xây dựng sân bay Gò Găng, TP Vũng Tàu.

Hồi tháng 11/2017, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng đã có buổi làm việc với Tập đoàn Sojitz và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại Sông Hồng về ý tưởng dự án sân bay Gò Găng. Tuy nhiên theo thông tin đến thời điển hiện tại, Tập đoàn Sojitz đã rút và thay bằng doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng như đề xuất nói trên.

Dự án sân bay Gò Găng được quy hoạch xây dựng nhằm phục vụ kế hoạch di dời sân bay Vũng Tàu hiện hữu tại phường 9, TP Vũng Tàu. Hoạt động bay tại sân bay Vũng Tàu hiện nay chủ yếu dùng cho các loại máy bay trực thăng phục vụ công tác hậu cần, dịch vụ dầu khí. Do đó việc phát triển sân bay thương mại sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch không gian phát triển của thành phố và an toàn người dân.

Theo quy hoạch dự kiến, Cảng hàng không Vũng Tàu là cảng nội địa phục vụ cho hoạt động bay trực thăng, bay taxi nội vùng. Quy mô cảng đạt cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO và sân bay quân sự cấp II. Công suất cảng 100.000 hành khách và 500 tấn hàng hóa mỗi năm.

Kinh phí xây sân bay mới khoảng 1 tỷ USD. Hai phương án đầu tư được đưa ra là bán đất sân bay cũ để lấy kinh phí. Phương án thứ hai là đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư, nhà nước và tư nhân cùng làm) hoặc BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).

Phương án thứ hai là nhà đầu tư thực hiện hoàn thiện sân bay tại Gò Găng sau đó được khai thác, sử dụng quỹ đất sân bay hiện hữu để hoàn vốn hoặc được quyền khai thác sân bay trong một thời gian nhất định.

Tháng 9/2018, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã làm việc với Công ty TNHH dự án Hồ Tràm (xã Lộc An, huyện Xuyên Mộc) về dự án xây dựng sân bay chuyên dùng, phục vụ các chuyến bay thuê chuyến chở khách đến Khu du lịch phức hợp Hồ Tràm.

Theo đó, sân bay do Hồ Tràm đầu tư khoảng 4.250 tỷ đồng, quy mô cảng hàng không cấp 4C với một đường băng dài 2.400 m, rộng 45 m, hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay hoàn chỉnh; Khu nhà ga hành khách, đài kiểm soát tại sân bay, công trình phụ trợ kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật…

Diện tích dự kiến xây dựng sân bay khoảng 244,33 ha, trong đó có 47,55 ha thuộc địa phận xã Lộc An và 196,78 ha thuộc xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.

Công ty TNHH dự án Hồ Tràm được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí phức hợp Hồ Tràm (Hồ Tràm Strip) với diện tích 164ha tại huyện Xuyên Mộc với tổng số vốn đăng ký là 4,23 tỷ USD, có kinh doanh casino.

Xét thấy nhu cầu cần thiết phục vụ cho việc phát triển du lịch và đầu tư, công ty đã xin chủ trương xây dựng sân bay chuyên dùng tại đây.

Như vậy, thời gian tới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ đầu tư 2 sân bay là Hồ Tràm và Gò Găng, khoảng cách giữa 2 sân bay chưa tới 30 km. Chưa kể, tỉnh này đã có sân bay Côn Đảo; bên cạnh đó còn có sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với khoảng khách chỉ 40 km.