Kiên quyết đưa ra xét xử vụ án “xưa nay hiếm”

Có 36 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án hình sự xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan
Có 36 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án hình sự xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Nhiều bị can bị truy tố mức hình phạt cao nhất

Hôm nay (21/12), Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội bắt đầu phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan. Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 20 ngày, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật.

Đây là một trong các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận quan tâm, thuộc một trong các vụ án mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, giám sát. Vụ án hình sự này xử lý đối với nhiều cán bộ có chức vụ cao ở địa phương, số tiền thiệt hại cho Nhà nước là đặc biệt lớn, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Có tổng số 36 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này, trong đó Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai bị xét xử về tội “nhận hối lộ”; Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai bị xét xử về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “nhận hối lộ”; Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HÐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC và Trần Mạnh Hà, Phó tổng giám đốc AIC bị xét xử 2 tội danh “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “đưa hối lộ”.

Ngày 29/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT, kiểm Tổng giám đốc AIC bị xác định có vai trò cầm đầu, chịu trách nhiệm chính, bị truy tố hai tội danh “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “đưa hối lộ”. Tuy nhiên, bà Nhàn cùng 7 đồng phạm khác đã bỏ trốn trước đó.

Các bị cáo còn lại bị xét xử về các tội: lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đáng nói, đối với 3 bị can bị truy tố tội “nhận hối lộ”, Viện Kiểm sát áp dụng mức hình phạt cao nhất, quy định tại điểm a, b, khoản 4, Điều 354, Bộ luật Hình sự, là bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, các bị can đã thành khẩn khai báo, nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác…, nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Liên quan tới việc các bộ, ngành phân bổ vốn ngân sách trung ương cho dự án vượt mức quy định, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tách ra thành vụ riêng để điều tra xử lý trong giai đoạn sau.

Đưa ra truy tố, xét xử dù nhiều bị cáo bỏ trốn

Đây là vụ án được đánh giá “xưa nay hiếm” trong lịch sử ngành tư pháp, bởi có đến 8 bị can bị truy tố và đưa ra xét xử vắng mặt do đã bỏ trốn, truy nã không có kết quả. Đó là: Nguyễn Thị Thanh Nhàn; Trần Mạnh Hà; Nguyễn Ðăng Thuyết, nguyên Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội; Ðỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa; Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty Việt Tiên; Nguyễn Thị Tích, Tổng giám đốc Công ty Mopha; Nguyễn Thị Sen, nguyên Giám đốc Công ty Thiết bị Y tế và Môi trường; Ðỗ Văn Sơn, nguyên Kế toán trưởng Công ty AIC.

“Dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của luật pháp”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhiều lần chỉ đạo, nhấn mạnh như vậy tại một số hội nghị trong thời gian qua.

Các bị cáo trên được xác định đã bỏ trốn ra nước ngoài, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã quốc tế đặc biệt, nhưng không có kết quả. Tuy nhiên, căn cứ vào các lời khai của một số bị can liên quan; lời khai của giám đốc, nhân viên các công ty “quân xanh”; kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) về chữ ký và các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định các bị can trên đã đưa hối lộ, chỉ đạo, thực hiện, liên hệ, phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thẩm định giá để thực hiện các hành vi thông thầu, gian lận trong đấu thầu, hạn chế hoặc loại trừ cạnh tranh trong đấu thầu…, giúp Công ty AIC trúng thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước lên tới trên 152 tỷ đồng.

Cụ thể, Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Đồng Nai xác định, 14/16 gói thầu thiết bị y tế mà Công ty AIC trúng thầu đã gây thiệt hại trên 148,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Trần Mạnh Hà còn ký các phụ lục hợp đồng với chủ đầu tư để điều chỉnh mức phạt, thời gian thực hiện hợp đồng, gây thiệt hại trên 3,5 tỷ đồng.

Pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam có quy định rõ ràng về việc xét xử vắng mặt với bị cáo. Cụ thể, khoản 2, Điều 290, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được hội đồng xét xử chấp nhận; nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.

Quyền bào chữa được thực hiện như thế nào?

TS. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: “Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, thì bị can, bị cáo có quyền tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Với bị cáo bỏ trốn, bị truy nã và bị xét xử vắng mặt, thì trong một số trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải chỉ định người bào chữa”.

Theo Luật sư Cường, việc tòa án chỉ định người bào chữa cho bị cáo bị xét xử vắng mặt cũng là chuyện hiếm gặp. Đây là vụ án đặc biệt, tòa án sẽ làm rõ các vấn đề về tố tụng, cũng như về nội dung trong phiên tòa xét xử tới đây để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Với tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 và tội đưa hối lộ theo Điều 364 của Bộ luật Hình sự, thì mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Các bị can bị truy tố với khung hình phạt này thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Nếu quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các bị can, bị cáo hoặc người thân thích của bị can, bị cáo không nhờ người khác bào chữa, thì cơ quan tiến hành tố tụng phải cử người bào chữa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị can bị cáo theo quy định của pháp luật. Ông Cường cho biết, trong vụ án này, đối với các bị cáo đang bị truy nã, tòa án sẽ cử người bào chữa cho tất cả các bị cáo này để đảm bảo quyền được bào chữa theo quy định tại Điều 61 và Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

“Những người bào chữa theo chỉ định sẽ đăng ký bào chữa với tòa án, sao chụp hồ sơ vụ án, nghiên cứu hồ sơ, tham dự phiên tòa để đưa ra quan điểm về đánh giá chứng cứ; đồng thời sử dụng chứng cứ, đưa ra những lập luận để bào chữa theo hướng gỡ tội hoặc giảm nhẹ cho các bị cáo theo quy định của pháp luật. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm chi trả, thanh toán thù lao và chi phí cho những người bào chữa được chỉ định theo quy định của pháp luật”, Luật sư Cường giải thích thêm.

Ông Cường nhận định, những vụ án như thế này được đưa ra xét xử sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh để răn đe đối với những người khác và làm cơ sở pháp lý để thu hồi tài sản do phạm tội mà có để khắc phục hậu quả thiệt hại do tội phạm gây ra. Với những bị cáo đang bỏ trốn, có thông tin về việc bị cáo đang ở nước ngoài, sau khi có bản án của tòa án, thì cơ quan chức năng có thể tiến hành yêu cầu các quốc gia mà bị cáo đang cư trú phối hợp để dẫn độ bị cáo về nước thi hành án.

VNREX || ✅ Trang tin Bất Động Sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *