ha Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước “Long đong số phận khu đất 29 ha Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước

Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đang xét xử phúc thẩm 20/21 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định quản lý tài sản, đất đai gây thiệt hại hơn 22.047 tỷ đồng cho TP. Đà Nẵng.

Long đong số phận khu đất 29 ha Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước


Dự án 29 ha khu đô thị quốc tế Đa Phước. Ảnh Internet

P

hiên tòa dự kiến kéo dài 6-8 ngày. Vụ án liên quan đến 15 nhà đất công sản, 6 dự án bất động sản, trong đó có dự án Khu đất 29 ha thuộc dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng).

Vụ án được đưa ra xét xử sở thẩm hồi tháng 1/2020. Ngoài bản án dành cho các bị cáo, tòa còn đưa ra quyết định về trách nhiệm dân sự, trong đó có nội dung: “Yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng và các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất 29 ha – dự án Khu dân cư An Cư 2, 3 mở rộng, dự án Khu nhà ở Phú Gia Compound.

Sau đó, Tòa án Hà Nội đã đính chính phần nội dung này, cụ thể: “Giao UBND TP. Đà Nẵng thu hồi và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất 29 ha dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước. Giao UBND TP. Đà Nẵng cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho công dân tại 2 dự án An Cư 2, 3 mở rộng và Khu nhà ở Phú Gia Compound”.

Sau khi có đính chính bản án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm hủy thông báo về việc sửa chữa, bổ sung bản án.

Theo Công ty Đa Phước, việc sửa chữa, bổ sung bản án theo hướng bất lợi cho Công ty là trái quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Diện tích khu đất 29 ha đã được UBND TP. Đà Nẵng chuyển giao cho Công ty Xây dựng 79 (do Phan Văn Anh Vũ – tức Vũ “nhôm” làm Giám đốc).

Sau đó, Công ty Xây dựng 79 chuyển nhượng khu đất này cho Công ty Đa Phước theo đúng trình tự thủ tục được ghi nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Công ty Đa Phước cho rằng, Công ty là bên thứ ba ngay tình nên cần được công nhận quyền sử dụng đối với khu đất 29 ha nêu trên, cho dù việc chuyển dịch tài sản giữa UBND TP. Đà Nẵng với Công ty Xây dựng 79 có hợp pháp hay không.

Không chỉ Công ty Đa Phước, một bộ phận khách hàng mua nhà tại dự án cũng bày tỏ sự lo lắng khi chưa biết việc thu hồi dự án sẽ được thực hiện như thế nào, việc xử lý các vấn đề quyền lợi, nghĩa vụ của khách hàng, doanh nghiệp và các bên liên quan khác sẽ ra sao?

Theo LS. Hồ Anh Khoa (Đoàn Luật sư Hà Nội), các bên hiện phải chờ quyết định của tòa phúc thẩm, rồi mới đến giai đoạn thi hành án.

Về cơ bản, pháp luật có quy định bảo vệ người thứ 3 ngay tình. Theo đó, trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án/quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản, nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án/quyết định bị hủy, sửa.

Đây là một căn cứ mà khách hàng có thể xem xét, viện dẫn để đề nghị cơ quan thi hành án đảm bảo quyền lợi.

“Trong trường hợp việc thu hồi đất được thực hiện thì cơ quan hành chính nhà nước cũng không thể giữ vai trò chủ đầu tư dự án. Hoặc là chủ đầu tư hiện tại sẽ được giao lại đất với trình tự, thủ tục, giá đất đảm bảo đúng quy định và quyền lợi của Nhà nước. Hoặc là chủ đầu tư mới sẽ tiếp quản dự án, thừa kế quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trước đó. Dù vậy, việc thi hành án cần trải qua nhiều trình tự, thủ tục, chưa kể có thể còn phải chờ hướng dẫn”, LS. Khoa thông tin thêm.