Khổ như dân chung cư… Hà Nội!

Cứ tưởng có một căn nhà ở Hà Nội là sung sướng, hạnh phúc, là được tiệm cận với dịch vụ y tế hàng đầu, với môi trường giáo dục tốt. Nhưng có lẽ chưa kịp được tận hưởng nhiều cái tốt nhất của Thủ đô thì cư dân chung cư đã phải đón nhận trăm cái khổ.

Để mua được căn nhà Hà Nội chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng với những người trẻ từ tỉnh lẻ lên Thủ đô lập nghiệp. Vất vả vay mượn người thân, bạn bè, tích cóp bao ngày tháng để tìm kiếm mua một căn chung cư với ước mơ duy nhất “an cư mới lập nghiệp”. Khó khăn và quyết tâm là vậy nhưng những người trẻ tỉnh lẻ vẫn phải nỗ lực để có một căn nhà nhỏ ở, để an tâm cho công việc rồi kiếm tiền trả nợ. Nhưng mua một căn chung cư đâu phải đơn giản chỉ là tài chính mà còn là phải lựa chọn dự án nào, ở đâu.

Nếu thuận buồm xuôi gió thì chẳng sao nhưng lỡ không may mua phải dự án chậm tiến độ, dự án bị cắm sổ đỏ thì thôi âu cũng lại là nỗi phức tạp, lo lắng. Rồi đến chuyện tính pháp lý của dự án cũng phức tạp chẳng kém. Kể đâu xa như hàng nghìn cư dân Linh Đàm, cứ tưởng mua được căn hộ giá rẻ nhưng rồi giờ lại đau đầu vì sổ đỏ chưa có.

Cư dân VP6 đòi sổ hồng. (Ảnh: Internet)

Chuyển về nhà mới, nhưng đâu phải chỉ ở là xong. Những ngày đầu chuyển về, cư dân phải kiểm tra xem căn hộ của mình có đúng như bản vẽ thiết kế đưa ra. Chưa dừng lại ở đó, một cuộc đấu tranh yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đúng như cam kết về phí dịch vụ, về hạ tầng công cộng hay đơn giản là tình trạng đảm bảo đúng cam kết về thiết kế căn hộ trong hợp đồng. Cứ 100 chung cư thì có lẽ, có tới 90% dự án xảy ra tình trạng khiếu kiện, đòi quyền lợi của cư dân.

Khi chuyển về ở hẳn, cuộc tranh cãi giữa ban quản lý, ban quản trị và cư dân lại có cơ hội bùng nổ. Đó là vấn đề về diện tích sử dụng chung, riêng, về thu phí thang hàng, về phí gửi xe…  

Mỗi ngày mở mắt ra là diễn đàn xuất hiện một vấn đề. 100 người thì mỗi người một ý về vệ sinh, về nước sạch. Có thời điểm, cuộc tranh cãi giữa ban quản trị và cư dân, rồi ban quản trị và ban quản lý, căng thẳng hơn nữa là cư dân và ban quản lý. 

Tất cả đôi lúc khiến người ta phải ngột thở và mệt mỏi bởi những bản báo cáo, giải trình, thông báo đi họp trên loa đài về vấn đề giải quyết tranh luận chưa có hồi kết. Đôi lúc, chính người ta sợ hãi khi bước chân vào căn nhà của chính mình chỉ vì sau một ngày làm vất vả, họ phải nghĩ xem quyền lợi của mình ở chốn ở đang bị xâm phạm thế nào.

Cháy chung cư, nỗi ám ảnh của những người dân chung cư.

Ở chung cư đâu phải không lo lắng. Nỗi sợ của hỏa hoạn khiến người ta cảm thấy đôi lúc mạng sống của mình thật mong manh. Lỡ một cư dân thiếu cẩn thận, lỡ một chung cư không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy thì cảm giác bất an là luôn thường trực trước tiếng chuông reo “báo giả” mỗi ngày.

Thế mà chưa hết, trở thành cư dân chung cư là bị phụ thuộc và thiếu tự chủ đến nỗi… chính họ cũng chẳng rõ nguồn trữ nước của mình như thế nào. Chỉ biết, ở chung cư khác, người ta phát hiện ra nguồn nước bẩn và đen. Và chỉ biết, mỗi ngày, họ phải sử dụng nguồn nước chẳng biết kiểm chứng và xét nghiệm mẫu nước ra sao. Căng nhất và điển hình nhất như vừa qua, không ít cư dân chung cư “nhắm mắt” dùng nước nhiễm dầu. Vì đâu còn lựa chọn nào khác! Đợi mãi, đợi tới 2 ngày rồi 5 ngày, họ mới biết được nước mình dùng nhiễm dầu. Bởi họ phụ thuộc vào thông báo của ban quản lý… rồi đến Công ty trung gian cung cấp nước và Công ty sản xuất nước sạch.

Cư dân chung cư Gemek 1 nửa đêm xếp hàng đợi nước. (Ảnh: Trang Hà)

Đấy, Hà Nội chật và đông. Vì chẳng dư dả tiền bạc nên đành chuyển ra mua căn hộ ở ngoại ô sống. Nhưng, an ủi bằng việc ra ngoại ô sống là không tắc đường, không khí trong lành cuối cùng chỉ là “hão huyền”. Giờ đây, tắc đường nhất vẫn là con đường đi vào nội đô. Và giờ đây, ô nhiễm không khí còn lan ra cả ngoại ô khi nhà nhà, quán quán mọc lên liên tiếp, công trường xây dựng mỗi ngày. Bụi mịn, không khí nhiễm thủy ngân… chỉ nghĩ đến thôi cũng chẳng dám ra đường.

Đúng là khổ chồng khổ! Nếu cứ thế này có lẽ… từ nơi “an cư lạc nghiệp” lại đang chuyển thành nơi “biến cư nặng nghiệp”.