Khánh Hoà tìm giải pháp quản lý cao ốc chen kín bờ biển Nha Trang

Khánh Hoà tìm giải pháp quản lý cao ốc chen kín bờ biển Nha Trang

Phía Tây đường Trần Phú ven biển Nha Trang đang hình thành một “bức tường cao ốc”. Còn ở phía Đông, trên công viên bãi biển và mặt biển, đang bị quy hoạch cho xây những cao ốc hơn 40 tầng.

Đó là hình ảnh phát triển “quá nóng” của TP Nha TRang (Khánh Hoà) trong gần 20 năm qua, và nay buộc tỉnh này phải thực hiện các giải pháp cắt giảm đầu tư dự án cao tầng ven biển.


Đường Trần Phú hơn 20 năm trước là một trong những con đường có cảnh quan đẹp với những biệt thự, tòa nhà thấp có sân vườn rộng hướng mặt ra biển. Thế nhưng từ năm 1996 khi khách sạn Lodge 13 tầng được xây dựng ở đây đã mở ra “cuộc đua” nhà cao tầng ken dày trên con đường này.

Các khách sạn: Yasaka Saigon Nha Trang 11 tầng, Sunrise Nha Trang 12 tầng, Novotel Nha Trang 18 tầng, Sheraton Nha Trang 33 tầng… lần lượt mọc lên.

Và gần 20 năm sau, hàng loạt công trình cao tầng như cụm dự án 6 tòa tháp cao 40 tầng của tập đoàn Mường Thanh, tòa nhà condotel cao 35 tầng của tập đoàn AB nằm đối diện tháp trầm hương; hay dự án khách sạn Mường Thanh Quê Hương gồm 2 tầng hầm, 42 tầng cao; dự án StarCity Condotel Nha Trang cao 21 tầng; dự án khách sạn Marriott Nha Trang gồm 17 tầng và 2 tầng hầm; và Panorama Nha Trang nằm ngay sau Bảo tàng tỉnh Khánh Hoà… đã và đang đi vào hoạt động.

Trong khi đó, phương án điều chỉnh đồ án quy hoạch chung và điều chỉnh cục bộ tại nhiều khu vực ven biển ở TP Nha Trang sẽ không khống chế tầng cao. Vì thế, một số khu vực phía Tây trục đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng cũng sẽ không khống chế tầng cao 40 tầng như hiện nay, mà có thể lên tới 50 tầng, 60 tầng. Thậm chí số tầng có thể cao hơn. Điển hình như khu vực bến du thuyền, khu vực biển Hòn Chồng, khu vực quảng trường 2/4, khu vực đầu cầu Trần Phú, khu vực sân bay Nha Trang cũ…

UBND TP Nha Trang cũng cho biết, qua khảo sát hiện nay trên địa bàn thành phố đã có nhiều khách sạn, nhà cao tầng xây trong các tuyến hẻm không đảm bảo về giao thông tiếp cận công trình, phòng cháy chữa cháy, cấp điện trung thế, thoát nước thải… vì thế nếu xảy ra sự cố cháy nổ thì rất khó ứng cứu.

Khánh Hoà tìm giải pháp quản lý cao ốc chen kín bờ biển Nha Trang - Ảnh 1.

Bờ biển Nha Trang đang bị che chắn bởi hàng loạt dự án cao tầng.

UBND TP. Nha Trang đang tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về dự thảo Quy chế Quản lý quy hoạch, kiến trúc khu đô thị ven biển. Nếu quy chế được thông qua, sẽ quản lý về độ cao, mật độ xây dựng và định hướng phát triển cụ thể ở từng khu vực đô thị ven biển Nha Trang.


Theo đó, quy chế này quy định quản lý cụ thể về quy hoạch, kiến trúc theo từng ô phố, trong phạm vi 2.781ha thuộc Khu đô thị ven biển TP. Nha Trang. Phạm vi quản lý theo quy chế được giới hạn: Phía Bắc giáp núi Cô Tiên, phường Vĩnh Hòa; phía Nam giáp sông Tắc và vịnh Nha Trang; phía tây giáp các xã: Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái và giáp sông Quán Trường; phía đông giáp vịnh Nha Trang.

Tỉnh Khánh Hòa chia ra 7 khu vực để dễ dàng áp dụng quy chế quản lý. Cụ thể, khu 1 là khu vực phía nam mũi Kê Gà đến núi Hòn Một; khu 2 là khu vực phía nam núi Cô Tiên và phía nam núi Hòn Một đến phía bắc sông Cái; khu 3 là khu vực phía nam sông Cái đến phía bắc đường 23-10, Yersin và cồn Nhất Trí; khu 4 là khu vực phía nam đường Yersin đến phía bắc đường Nguyễn Thị Minh Khai; khu 5 là khu vực phía nam đường Nguyễn Thị Minh Khai đến phía bắc đường Nguyễn Đức Cảnh – Hoàng Diệu; khu 6 là khu vực phía tây đường Lê Hồng Phong đến sông Quán Trường; khu 7 là khu vực phía nam đại lộ Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Đức Cảnh – Hoàng Diệu.

Theo quy định tại quy chế, khoảng lùi công trình đảm bảo tuân thủ quy chuẩn xây dựng Việt Nam, đồng thời phải đảm bảo tổng kích thước của vỉa hè và khoảng lùi công trình tối thiểu là 7m. Đối với các khu vực xây dựng mới, khoảng cách giữa các công trình tuân thủ quy chuẩn xây dựng Việt Nam nhưng phải đảm bảo khoảng cách giữa các mặt tiền 2 công trình lân cận từ 15m đến 25m trở lên tùy thuộc bề dày công trình.

Đối với các công trình xây dựng xen cấy vào các khu phố liên kế hiện hữu, khi xây dựng công trình cao từ 9 tầng trở lên cần đảm bảo đường cứu hỏa đi xung quanh công trình theo các quy định về phòng cháy chữa cháy. Đối với các công trình có khoảng lùi lớn hơn khoảng lùi tối thiểu bắt buộc, cứ 1m khoảng lùi tăng thêm thì công trình được xây dựng cao hơn thêm 1 tầng so với chiều cao tối đa cho phép, nhưng phải đảm bảo không vượt hệ số sử dụng đất cho phép.

Theo Sở Xây dựng, khi muốn xây dựng công trình cao từ 9 tầng trở lên, tổ chức hoặc cá nhân cần đóng góp 10% quỹ đất tích tụ được để xây dựng vườn hoa, sân chơi công cộng hoặc mở đường giao thông góp phần nâng cấp hệ thống giao thông chung của ô phố đó hoặc khu vực lân cận.

Nếu diện tích khoảng lùi công trình được thiết kế tách ra khỏi không gian sử dụng của công trình và thuận lợi để thành điểm dừng chân, chỗ ngồi giao lưu công cộng mà mọi người dân và du khách có thể sử dụng thì diện tích khoảng lùi đó có thể được quy đổi vào diện tích 10% vườn hoa, sân đường công cộng. Khi tính mật độ xây dựng, không tính diện tích 10% này vào diện tích khu đất.

Quy chế cũng định hướng phát triển cho các khu vực cảnh quan dọc sông Cái và xác định đây là mặt tiền quan trọng thứ 2 của Nha Trang; quy định tổ chức không gian đối với 7 khu vực.

Nam Phong

Theo Nhịp sống kinh tế