Khai thác nghỉ dưỡng ven đô: “Tiền tươi, thóc thật”

Khu vực ven đô Hà Nội được nhiều chuyên gia đánh giá là có rất nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa thế, kết nối giao thông, văn hóa, con người… để thị trường du lịch nghỉ dưỡng phát triển mạnh.

Khai thác nghỉ dưỡng ven đô: “Tiền tươi, thóc thật”



Sức cầu lớn




Ít ai có thể ngờ rằng, một dự án bất động sản nghỉ dưỡng không nằm ở những trung tâm du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang… lại có thể bán được biệt thự với giá lên tới 80 triệu đồng/m2. Mức giá tưởng chừng không thể là thực tế tại một khu nghỉ dưỡng Vĩnh Phúc – cách Hà Nội  khoảng 45 km.

Giá bán của dự án đã tăng liên tục và đã cao hơn cả chục lần so với hồi bắt đầu mới mở bán, nhưng thật ngạc nhiên, cứ ra hàng đến đâu là lại “cháy hàng” đến đó. Điều này cho thấy, giới nhà giàu không chỉ mê căn hộ hay biệt thự nghỉ dưỡng biển, mà còn rất ưa chuộng bất động sản nghỉ dưỡng ven đô.

Xu hướng tìm kiếm những dự án ven đô nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng cá nhân vào dịp cuối tuần sau khoảng thời gian làm việc căng thẳng, stress bên cạnh tìm kiếm một khoản đầu tư lợi nhuận dù không cao nhưng ổn định đã nhen nhóm từ vài năm trước, và bắt đầu có xu hướng gia tăng trong khoảng thời gian gần đây.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, người dân trung lưu Hà Nội có nhu cầu đi nghỉ cuối tuần khoảng 20-30 lần/năm. Như vậy, chỉ tính riêng việc đáp ứng nhu cầu cư dân hiện tại của Hà Nội, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô khu vực này đã cần tới 50.000 phòng nghỉ tối thiểu/năm. Không chỉ lớn về quy mô mà cầu nghỉ dưỡng ven đô còn rất đa dạng do có sự phân hóa thành nhiều nhóm khác nhau.

Trong đó, giới trẻ ưa thích nghỉ dưỡng dạng trải nghiệm, đôi khi gắn với các hoạt động tham quan mạo hiểm. Các nhóm khách hàng doanh nghiệp, tổ chức tham gia du lịch nghỉ dưỡng tập thể để gắn kết thành viên, hoặc hình thức hội thảo, sự kiện kết hợp nghỉ dưỡng. Các hộ gia đình trẻ, có con nhỏ lại thường ưa thích dạng nghỉ dưỡng tham quan, gần gũi với thiên nhiên, tận hưởng cảnh quan trong lành…


“Tiền tươi, thóc thật”

Ghi nhận của Archi Invest gần đây cho thấy, có tới 90% người được hỏi mong muốn ra ngoại ô trên 10 lần mỗi năm, trong khi nếu đi nghỉ dưỡng biển thì chỉ có thể đi một vài lần. Nếu như đi du lịch ở Đà Nẵng hay Nha Trang phải chuẩn bị kỹ tư trang, thời gian thì những chuyến đi nghỉ dưỡng ở ngoại ô lại không mất nhiều thời gian và tiền bạc.

Nhu cầu phát triển kéo theo nguồn cung tăng trưởng để đáp ứng. Nhiều hình thức nghỉ dưỡng ra đời, không chỉ đơn thuần là phòng nghỉ, biệt thự đơn giản như trước. Có thể kể đến các mô hình nghỉ dưỡng dạng biệt thự nhà vườn đơn lập, các căn hộ, biệt thực dạng homestay, trang trại nghỉ dưỡng hay các khu nghỉ dưỡng cao cấp được bao bọc trong cả quần thể tiện ích vui chơi giải trí, spa, thư giãn…

Mặc dù quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, tản mạn, chưa hình thành chuỗi đồng bộ, song những dòng sản phẩm này đã và đang đón nhận những tín hiệu khá tốt từ thị trường, được nhiều nhà đầu tư lựa chọn như một kênh sinh lời dạng “ngôi nhà thứ hai”.

ảnh 1

 


Theo CBRE Việt Nam, cơ sở hạ tầng ngày một phát triển, giúp người dân di chuyển dễ dàng hơn trong bán kính 10km, được xem là chìa khóa giúp thúc đẩy phát triển các dự án khu đô thị ở các khu vực này. Những vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng như Lâm Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình), Ba Vì (Hà Nội), Đại Lải (Vĩnh Phúc)… đang khá thịnh hành loại hình bất động sản này.

Thay vì bỏ ra 1 – 3 tỷ đồng đầu tư vào condotel, hay hàng chục tỷ đồng để sở hữu những căn biệt thự biển thì nhiều người giàu Hà Nội lựa chọn loại bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô với giá “mềm” hơn khá nhiều biệt thự biển. Nhiều dự án ở ngoại ô, mỗi căn biệt thự chỉ có giá khoảng 1-2 tỷ đồng, tất nhiên cũng những loại sản phẩm “hiếm, độc bản” có giá cả triệu USD.

Chẳng hạn tại một dự án ở Lâm Sơn, Hoà Bình, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra khoảng 2,2 tỷ đồng là có thể sở hữu ngôi nhà thứ hai với 250m2 đất sử dụng lâu dài cùng với căn biệt thự 3 phòng ngủ đầy đủ nội thất, sân vườn… Mức đầu tư này khá cạnh tranh trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay.

Gắn bó với thị trường nghỉ dưỡng ven đô lâu năm, cũng như tìm hiểu về thị trường này ở một số nước trong khu vực như Thái Lan, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Nghỉ dưỡng Ngoại ô cho biết, trong khi nghỉ dưỡng biển thạy theo cuộc chiến về lợi nhuận cam kết, khiến các yếu tố hình thành sản phẩm có phần không thực chất, lợi nhuận cam kết leo thang kéo theo giá bán cũng leo thang. Ngược lại, nghỉ dưỡng ngoại ô lại hình thành từ giá trị thực, và có cam kết lợi nhuận cũng rất thật và không bị leo thang. Con số lợi nhuận khoảng 7% vẫn được duy trì thể hiện bản chất thật của việc vận hành.

Đồng quan điểm, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch SohoVietnam cũng cho rằng, thị trường bất động sản ven đô dù tăng trưởng không sôi động nhưng chắc chắn, dòng tiền tốt, có lúc có thể đạt 1%/tháng. Như ở khu vực Sông Đà, một chủ đầu tư đầu tư dự án có 31 phòng nghỉ, được thiết kế theo phong cách của người Thái, Mường… Du khách được trải nghiệm đi thuyền qua sông Đà lên đó. Giá phòng 2,5 – 3,5 triệu đồng/đêm nhưng khách hàng vẫn đông. Tuy nhiên, ông Cần cho rằng, có tiềm năng nhưng không phải dự án nghỉ dưỡng ven đô nào cũng mang lại nguồn thu và giá trị nhất định cho nhà đầu tư, và vấn đề mấu chốt là sản phẩm phải nhắm tới cái độc đáo, khác biệt.

Ông Phạm Hà, người sáng lập Lux Group – nhà kinh doanh lữ hành hạng sang, chỉ ra một thực tế rằng, không ít dự án bất động sản nghỉ dưỡng chỉ chăm chăm bán bất động sản mà quên đi yếu tố cốt lõi là mang đến trải nghiệm cho du khách. Du khách ngày nay không còn chỉ thăm quan nghỉ dưỡng đơn thuần mà luôn tìm những trải nghiệm du lịch mới, chân thực, thú vị và muốn tìm hiểu sâu sắc đời sống, văn hoá, di sản và lịch sử của điểm đến.

“Vì thế, khi phát triển một cơ sở lưu trú cần phải thổi hồn vào nó để khách có lý do đến trải nghiệm và muốn nghe câu chuyện bản địa hoặc của chủ nhân. Bản thân cơ sở lưu trú phải là một câu chuyện hay để nghe và khám phá, trải nghiệm trước khi du khách khám phá các địa danh và hoạt động khác xung quanh khu lưu trú tại điểm đến”, ông Hà nói.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cùng với tầng lớp người giàu tăng mạnh, nhu cầu nghỉ dưỡng và sở hữu các bất động sản ven đô, ngôi nhà thứ hai để nghỉ ngơi của người dân đang tăng cao. Trước thực tế khu vực trung tâm thành phố bị quá tải, môi trường ô nhiễm, không gian sống chật chội, cư dân sinh sống tại đây đang có xu hướng dịch chuyển về các vùng ven đô để sinh sống, nghỉ dưỡng hoặc về sống mỗi dịp cuối tuần. Mặt khác, do hệ thống giao thông kết nối với trung tâm các thành phố lớn với các khu vực vùng ven đang càng thuận tiện, tạo điều kiện cho các bất động sản nghỉ dưỡng ven đô phát triển mạnh.

Tiềm năng phát triển còn lớn, tuy nhiên vị chuyên gia cũng cảnh báo, nếu không tìm hiểu kỹ trước khi xuống tiền, người mua rất dễ gặp rủi ro về pháp lý do mua phải đất rừng, đất nông nghiệp chưa chuyển đổi không được phép giao dịch như hàng loạt các công trình, dự án nghỉ dưỡng bị thanh tra chỉ rõ sai phạm trong thời gian vừa qua.

Thực tế, thời gian qua, không ít “dự án” nghỉ dưỡng ven đô thực chất là do một số đơn vị đi thu gom đất của người dân và xây nên những biệt thự riêng lẻ để bán mà không làm thủ tục đầu tư dự án. Nếu cơ quan chức năng “tuýt còi”, rủi ro với khách hàng sẽ rất lớn.