Ít khách dự án, doanh nghiệp thép “làm ăn thất bát”

Cùng với việc thắt chặt cấp phép mới và đẩy mạnh rà soát dự án tại các địa phương, dự báo thị trường bất động sản sẽ phải đối mặt với nguy cơ tiếp tục thiếu hàng ở thời điểm cuối năm 2019 và trong trung hạn (2020 – 2022).

Trong nửa đầu năm nay, Hà Nội chỉ có 6 dự án, TP.HCM có 3 dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng. Không chỉ hiếm dự án được triển khai mới mà không ít dự án đang thi công cũng bị dừng tiến độ, thậm chí một số dự án đang đi vào bàn giao cũng bị tạm hoãn. Lượng sản phẩm được chào bán ra thị trường giảm mạnh, kéo theo sự chững lại về giao dịch.

Dự án bất động sản bị ách tắc khiến thị trường và các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng cùng lâm cảnh lao đao.

Thị trường bất động sản mất cân đối cung cầu khiến cho các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực này kinh doanh sa sút

Trong nhóm vật liệu xây dựng, kết quả kinh doanh giảm sút thể hiện rõ nhất tại các doanh nghiệp ngành thép. Chẳng hạn, mùa báo cáo tài chính quý III/2019 đang ở giai đoạn cuối. Nhà đầu tư cũng không quá ngạc nhiên khi liên tục xuất hiện báo các tài chính các doanh nghiệp ngành thép với doanh thu và cả lợi nhuận đều giảm sút so với cùng kỳ. Thậm chí có những doanh nghiệp lỗ như Thép Việt Ý (VIS) hay Dana Ý (DNY).

Với các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính, kết thúc 6 tháng đầu năm, một loạt doanh nghiệp như Việt Ý, Tisco (TIS), như Thép Tiến Lên (TLH), ống thép Việt Đức VGPIPE (VGS), Dana Ý đều có cả doanh thu và lợi nhuận giảm sút. Còn SMC – doanh nghiệp kinh doanh thép có tiếng, dù doanh thu tăng vọt đến trên 8,7%, nhưng lợi nhuận ngược lại giảm sút gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến quý III, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Trong bối cảnh thị trường bất động sản chậm lại, giá quặng sắt vẫn ở mức cao, thì kết quả kinh doanh quý III của ngành thép giảm sút không nằm ngoài dự đoán của các nhà đầu tư.


“Ông lớn” ngành thép đồng loạt báo lợi nhuận giảm sút

Tổng công ty Thép Việt Nam (TVN) vừa báo doanh thu quý III giảm xuống còn hơn 5.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt chưa đến 42 tỷ đồng, giảm đến 71% so với quý cùng kỳ năm 2018.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 doanh thu thuần đạt gần 18.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng giảm 40%, còn 445 tỷ đồng.

Là “ông lớn” trong ngành, Thép Hòa Phát (HPG) cũng sụt giảm lợi nhuận trong quý III và tính chung 9 tháng đầu năm.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2019, doanh thu của Hòa Phát đạt gần 15.350 tỷ đồng, tăng 6,6% cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đạt 46.396 tỷ đồng, tăng 10,5%. Lợi nhuận sau thuế quý III/2019 đạt 1.794 tỷ đồng, giảm 25,5% cùng kỳ năm trước do giá vốn hàng bán và chi phí tài chính tăng mạnh vì các khoản vay để xây dựng Hòa Phát Dung Quất. Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 5.655 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 17,2% cùng kỳ năm trước.

CTCP Thép Nam Kim (NKG) báo, doanh thu quý III giảm 10% xuống 3.068 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này quý III là 6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 8.975 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng chỉ còn 40 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm 2018 đạt 230 tỷ đồng.

Chi phí vốn lớn là gánh nặng đối với doanh nghiệp ngành thép

Năm 2019 cũng là năm không mấy thuận lợi của Thép SMC. Quý III vừa qua, doanh thu SMC xấp xỉ bằng cùng kỳ, đạt 4.239 tỷ đồng. Nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 35%, xuống còn hơn 35 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận của SMC giảm gần một nửa so với cùng kỳ, còn 111 tỷ đồng.

Lợi nhuận quý III của Thép Tisco chỉ đạt 3 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ. Lãi lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 41 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.

Tính đến hết quý III, tổng nợ Tisco lên đến 8.039 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 5.120 tỷ đồng, gấp đôi tài sản ngắn hạn. Nợ dài hạn 2.919 tỷ đồng. Nếu so với vốn chủ 1.899 tỷ đồng, thì hiện nợ đang cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu.

Công ty Cổ phần Thép Vicasa – Vnsteel (mã VCA) cho biết, doanh thu thuần quý III giảm 20% còn 509 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là giao dịch với bên liên quan Công ty Thép Miền Nam Vnsteel (409 tỷ đồng). Công ty báo lãi sau thuế 2,7 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2018.

Vicasa cho biết sản lượng tiêu thụ trong quý III năm nay giảm 19% do thị trường cạnh tranh gay gắt và giá bán bình quân cũng giảm 1,05 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ 2018. Ngoài ra, lãi suất ngân hàng trong kỳ tăng dẫn đến chi phí lãi vay tăng cao.

Tính lũy kế 9 tháng, VCA đạt doanh thu thuần 1.738 tỷ đồng, giảm 12%. Chi phí lãi vay lớn cùng các chi phí hoạt động tăng dẫn đến lợi nhuận của Vicasa giảm 30% còn hơn 20 tỷ đồng.

Trong năm 2019, Vicasa đề ra kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 2.979 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 24,1 tỷ đồng, mức cổ tức dự kiến 15%.


Doanh thu không bù được chi phí, nhiều doanh nghiệp thua lỗ

Theo báo cáo tài chính, CTCP Thép Pomina (POM) đã liên tiếp lỗ trong các quý từ đầu năm 2019. Chi phí giá vốn đội lên cao, gánh nặng chi phí lãi vay làm doanh nghiệp này kinh doanh không có lãi.

Ngoài ra, theo giải trình từ phía công ty, trong hệ thống của công ty đang có 1 nhà máy ngưng sản xuất do sự cố thiết bị, dẫn đến sản lượng hàng bán giảm. Nhà máy đã khắc phục sự cố, bắt đầu sản xuất lại từ đầu tháng 10.

Tổng chi lãi vay 9 tháng đầu năm của POM tăng lên 265 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn của Pomina còn hơn 6.600 tỷ đồng. POM lỗ quý III gần 119 tỷ đồng, lũy kế lỗ 9 tháng đầu năm 2019 lên trên 250 tỷ đồng.

Trong khi đó, CTCP Thép Dana Ý (mã DNY) đã phải tạm dừng sản xuất gần 1 năm với tổng lỗ 9 tháng đầu năm 2019 đã trên 262 tỷ đồng.

Theo giới kinh doanh, trong bối cảnh dự án bất động sản được cấp phép xây dựng ít, nguồn khách hàng lớn giảm, các doanh nghiệp ngành thép cần tìm hướng đi để vượt qua giai đoạn khó khăn. Cũng giống như các đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực khác, các doanh nghiệp ngành này trước hết đều đang phải tiết giảm chi phí, gia tăng sản lượng bán hàng, …