Hủy đấu thầu quốc tế, cao tốc Bắc – Nam sẽ triển khai thế nào?

Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho các nhà đầu tư vào đầu tháng 10/2019 và sẽ hoàn thành công tác sơ tuyển trong tháng 1/2020.

Hôm qua (24/9), Bộ GTVT đã phát đi thông tin về việc hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam.

Xem xét, điều chỉnh tiêu chí năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư

Liên quan đến công tác triển khai dự án này, chiều 25/9, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP, Bộ GTVT) cho biết: “Về mặt trình tự, thủ tục, đấu thầu quốc tế hay đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà đầu tư đều giống nhau, chỉ khác nhau ở tư cách của nhà đầu tư”.

Đề cập đến công tác sơ tuyển nhà đầu tư, ông Huy cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam.

“Dự kiến, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho các nhà đầu tư vào đầu tháng 10/2019 và sẽ hoàn thành công tác sơ tuyển trong tháng 1/2020”, ông Huy nói và cho biết, dự kiến từ tháng 2/2020, Bộ GTVT bắt đầu tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Hủy đấu thầu quốc tế, cao tốc Bắc - Nam sẽ triển khai thế nào?




Dự kiến, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho các nhà đầu tư vào đầu tháng 10/2019



và sẽ hoàn thành công tác sơ tuyển trong tháng 1/2020

“Trường hợp đấu thầu thành công, so với tiến độ đã báo cáo Quốc hội trước đây sẽ chậm hơn khoảng 3 tháng. Chúng tôi đang phấn đấu đến tháng 6/2020 sẽ khởi công dự án cao tốc Bắc – Nam đầu tiên thực hiện theo hình thức PPP”, ông Huy chia sẻ.

Liên quan đến tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, ông Huy cho biết, vừa qua, trong dư luận xã hội có một số ý kiến cho rằng, tiêu chí về năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư trong hồ sơ sơ tuyển quốc tế của 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam là quá cao so với khả năng của các nhà đầu tư trong nước.

Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ sơ tuyển hiện nay, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Kế hoạch – Đầu tư xem xét lại tiêu chí về năng lực kinh nghiệm nhằm tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư trong nước có thể tham gia, từ đó làm tăng tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả các dự án cao tốc Bắc – Nam.

Tuy nhiên, về năng lực tài chính của nhà đầu tư, ông Huy cũng khẳng định, Bộ GTVT sẽ vẫn giữ nguyên các tiêu chí theo đúng quy định của Nghị quyết 20/2018 của Chính phủ. Cụ thể, nhà đầu tư tham gia dự án phải đảm bảo yêu cầu vốn chủ sở hữu phải đáp ứng tối thiểu 20% tổng mức đầu tư dự án và nhà đầu tư phải có cam kết cho vay của ngân hàng tài trợ vốn tín dụng.

Theo ông Huy, có hai vấn đề mấu chốt quyết định sự thành công của 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Thứ nhất, phải chọn được nhà đầu tư mạnh, có đủ tiềm lực tài chính và năng lực kinh nghiệm. Thứ hai là phải tháo gỡ được các vướng mắc về nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP giao thông.

“Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại nới hạn mức cho vay và có cách thức huy động vốn cho vay đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam”, ông Huy nói và biết thêm, để dự án cao tốc Bắc – Nam triển khai thành công rất cần sự tham gia vào cuộc của các tập đoàn lớn trong nước có tiềm lực mạnh về tài chính, kinh nghiệm đầu tư.

Dự án thành công, ngân hàng phải vào cuộc

Được Bộ GTVT giao nhiệm vụ triển khai hai dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu và Diễn Châu – Bãi Vọt, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban QLDA 6 cho biết, dự kiến đầu tháng 10/2019, đơn vị sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư của 2 dự án cao tốc nói trên.

“Theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định 30/2015, thời gian phát hành hồ sơ mời sơ tuyển tối thiểu là 30 ngày. Đối với hình thức đấu thầu trong nước lựa chọn nhà đầu tư, thời gian chuẩn bị của các nhà đầu tư là 60 ngày, rút ngắn 30 ngày so với đấu thầu quốc tế (90 ngày)”, đại diện Ban QLDA 6 thông tin.

“Khi chuyển đổi hình thức lựa chọn nhà đầu tư từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước sẽ tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia, làm tăng tính cạnh tranh, minh bạch của các dự án cao tốc Bắc – Nam”, đại diện Ban QLDA6 nói và cho biết thêm.

Trong trường hợp đấu thầu thành công, dự kiến tháng 5/2020, hai dự án cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu và Diễn Châu – Bãi Vọt sẽ ký được hợp đồng với nhà đầu tư và triển khai thi công từ tháng 6/2019.

Trao đổi với Báo Giao thông, dưới góc độ của nhà đầu tư hạ tầng giao thông lớn nhất Việt Nam hiện nay, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, Bộ GTVT hủy đấu thầu quốc tế đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam để chuyển sang đấu thầu trong nước là tin vui lớn đối các doanh nghiệp trong nước vì họ có nhiều cơ hội tham gia đầu tư các dự án này.

Tuy nhiên, ông Thế nhận định, để triển khai thành công 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam theo hình thức đấu thầu trong nước lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT cần xem xét, điều chỉnh các tiêu chí về năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính của nhà đầu tư trong hồ sơ mời sơ tuyển so với trước đây.

Đơn cử, đối với tiêu chí về vốn chủ sở hữu chỉ cần xét tổng vốn chủ sở hữu của cả liên danh nhà đầu tư đáp ứng là được, không cần xét đến từng doanh nghiệp trong liên danh, đồng thời, trong hồ sơ sơ tuyển, Bộ GTVT cần bổ sung tiêu chí về năng lực quản lý dự án của các nhà đầu tư…

“Trong quá trình thực hiện đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam, cơ quan nhà nước cần phải triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách, đặc biệt là sự phối hợp của các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng phải hỗ trợ cho vay đối với các dự án hạ tầng, nhất là những dự án giao thông.

Tuy nhiên, phía các ngân hàng lại liên tục phớt lờ”, ông Thế nói và cho rằng, Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt yêu cầu các ngân hàng vào cuộc, cần thiết Chính phủ phải tăng vốn cho các ngân hàng thương mại để có nguồn vốn cho vay đối với các dự án cao tốc Bắc – Nam.

Dự án cao tốc Bắc – Nam dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ – Mai Sơn, Cam Lộ – Lam Sơn, cầu Mỹ Thuận 2), còn lại 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Dự án có tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 51.702 tỷ đồng vốn BOT và 50.812 tỷ đồng vốn Nhà nước.

(Theo

Báo Giao thông

)