Hơn 29 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam

Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong 10 tháng năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.


Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong thu hút FDI 10 tháng qua với tổng vốn đầu tư 2,98 tỷ USD

Cụ thể, tính đến ngày 20/10, có 3.094 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 25,9% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 12,83 tỷ USD, bằng 85,4% so với cùng kỳ năm 2018. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký cấp mới giảm do quy mô các dự án đăng ký mới giảm, dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư lớn nhất là 420 triệu USD.

Không chỉ sụt giảm vốn đăng ký mới, tổng vốn đăng ký điều chỉnh cũng chỉ bằng 83,6% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 5,47 tỷ USD vì quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án nhỏ, không có dự án tăng vốn lớn như trong cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, góp vốn, mua cổ phần, có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư với tổng giá trị vốn góp 10,81 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,78%, 10 tháng năm 2019 chiếm 37,1%.

Giải ngân vốn FDI 10 tháng qua ước đạt 16,21 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong các lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút vốn đâu tư lớn nhất với tổng số vốn đạt 18,83 tỷ USD, chiếm 68,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,98 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ.