Hồi sinh những dòng sông chết Bài 2 : Những câu chuyện thành công

Thực ra, ngay tại TP.HCM đã có những câu chuyện thành công rất đáng kể trong hành trình cải tạo những dòng nước đen thành điểm nhấn cảnh quan sông nước trên địa bàn Thành phố. Vấn đề là làm sao để biến những Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm thành hình ảnh phổ biến nơi hòn ngọc Viễn Đông này.

Hồi sinh những dòng sông chết (Bài 2): Những câu chuyện thành công


Kênh Nhiêu Lộc – Thị Ngè nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Toàn



LTS: Ô nhiễm môi trường, tốc độ đô thị hóa nhanh đã gây sức ép lớn lên hệ thống các dòng sông trên địa bàn TP.HCM. Nhiều dòng chảy xanh trong ngày xưa đã trở thành  dòng sông “chết” với mùi hôi thối và màu nước đen xì. Trong khi đó, chương trình di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, một trong 7 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ lần thứ X, nhiệm kỳ 2016 – 2020 của TP.HCM đưa ra đang gặp khó khăn, khó về đích đúng hạn. Hồi sinh những con sông, biến những dòng sông “chết” thành “sông xanh” là bài toán khó với TP.HCM, nhưng không thể không làm.


Bài 2: Những câu chuyện thành công




Thực ra, ngay tại TP.HCM đã có những câu chuyện thành công rất đáng kể trong hành trình cải tạo những dòng nước đen thành điểm nhấn cảnh quan sông nước trên địa bàn Thành phố. Vấn đề là làm sao để biến những Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm thành hình ảnh phổ biến nơi hòn ngọc Viễn Đông này.


Hành trình “gạn đục khơi trong”

Trở lại thời gian 20 năm về trước, khi nói đến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, người ta sẽ nghĩ ngay đến một dòng kênh “chết” bởi lúc bấy giờ, ven bờ ken đặc nhà cửa lụp xụp, cỏ rác um tùm, nhếch nhác; dưới kênh thì một màu đen kịt, đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Gần nửa đời người sống tại khu vực kênh Nhiêu Lộc, ông Nguyễn Văn Minh (quận 3) nhớ lại: “Sau khi Thành phố được giải phóng, không biết người dân ở đâu đổ về đây, lấn chiếm bờ kênh để dựng nhà sinh sống, nước thải sinh hoạt rồi nước thải từ các nhà máy xả thẳng ra khiến cho dòng kênh chết dần, người dân mỗi lần đi qua con kênh chỉ còn biết bịt mũi, đi thật nhanh”.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện di dời hàng nghìn hộ sống ven kênh rạch đến nơi ở mới tốt hơn, từ năm 2002, Thành phố đã bắt đầu triển khai dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Sau 10 năm triển khai, dự án cải tạo môi trường của dòng kênh cùng với dự án mở rộng đường Trường Sa và Hoàng Sa hoàn thành, mặt đường hai bên dòng kênh đã bằng phẳng, vỉa hè được lót đá, lắp đặt đèn chiếu sáng với hệ thống cây xanh tạo nên cảnh quan sạch sẽ, thoáng đãng.

Những năm gần đây, Thành phố đổ hàng tấn cá giống xuống kênh và dòng nước trong trở lại, động thực vật có đất sống.

“Giờ thỉnh thoảng tôi mang cần ra quăng, bắt được con trê 1 – 2 kg là chuyện bình thường”, ông Minh nói.    

Nhiều dự án bất động sản đang được xây dựng trên các tuyến sông đã giải tỏa


Ở TP.HCM, con kênh Tân Hóa – Lò Gốm (đoạn qua quận 4 và quận 6) cũng từng được biết đến là dòng kênh ô nhiễm không kém cạnh Nhiêu Lộc – Thị Nghè do tình trạng lấn chiếm, xây nhà trái phép, xả rác bừa bãi. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai cải tạo, từ 2010 – 2015, toàn bộ dòng kênh này đã được hồi sinh một cách nhanh chóng.

Là người trực tiếp chứng kiến sự hồi sinh của dòng kênh, trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Ái Nhân (quận 6) vẫn không giấu được sự vui mừng khi chứng kiến dòng kênh “chết” hồi nào giờ đã khoác trên mình chiếc áo mới. Dọc hai bên bờ kênh, vào những buổi chiều tối, nhiều hộ gia đình ra bờ sông tập thể dục, hóng gió, ngắm cảnh và hàn huyên chuyện đời.

“70 năm trôi qua đều gắn bó với dòng kênh này, đó cũng là từng ấy thời gian tôi đã được chứng kiến sự thăng trầm và giờ là sự đổi thay, từ dòng kênh nhếch nhác, hôi thối trở thành sạch đẹp, đường sá hai bờ sáng sủa, kéo giảm tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông, người dân có nơi ở tươm tất và công ăn việc làm ổn định. Thực là đời tôi không mong gì hơn”, ông Nhân hào hứng.

Chưa kể, khi cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm, hàng trăm căn nhà trước kia nằm trong hẻm, nay ra mặt tiền đường Lò Gốm. Nhiều ngôi nhà mới khang trang được xây cất, một số dự án trung tâm thương mại, chung cư cao tầng cũng đua nhau mọc lên.

Ngoài 2 tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm, thay đổi nhiều nhất là kênh Tàu Hủ – Bến Nghé đoạn qua bến Vân Đồn (quận 4). Nhìn quận 4 ngày nay với một dòng kênh đã “lột xác”, uốn mình mềm mại dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt, không mấy ai hình dung một quận chỉ cách trung tâm thành phố một con kênh này một thời nổi tiếng với các khu nhà lụp xụp nằm bên những dòng kênh đen ngòm.


Thị trường địa ốc hưởng lợi

Những dòng kênh, dòng sông xanh trong trở lại, không chỉ diện mạo TP.HCM thay đổi, mà ven bờ kênh, không ít dự án bất động sản cũng được hưởng lợi lớn từ “view sông”. Điều này đặt ra câu hỏi, nên chăng những đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ sự chuyển mình này phải có những đóng góp xứng đáng thúc đẩy sự đổi thay.

Theo một chuyên gia phát triển đô thị, cải tạo kênh sông tại TP.HCM phải tính đến nguồn lực xã hội hóa. Theo đó, có thể giao cho những doanh nghiệp bất động sản triển khai dự án ven sông, vừa tạo điều kiện cho người dân đang bám trụ tại các căn nhà ổ chuột khu vực này định cư tại chỗ, vừa phát triển dự án thương mại hài hòa với cảnh quan sông nước.

Dòng kênh đen ngòm đã được “lột xác”, uốn mình mềm mại dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt


Hưởng lợi từ các dòng kênh, sông đã cải tạo, có thể kể đến nhiều dự án trên tuyến đường Bến Vân Đồn (quận 4). Sau khi được chỉnh trang, mở rộng và cải tạo, con đường này đã trở thành con đường “đối trọng” giữa quận 4 với đại lộ Võ Văn Kiệt (phía bờ quận 5 và quận 1). Với hướng nhìn tuyệt đẹp cùng vị trí liền kề trung tâm thành phố, tuyến đường này đã thu hút rất nhiều “đại gia” bất động sản đến đầu tư với hàng loạt dự án khu căn hộ liên tiếp mọc lên.

Một số ông lớn trong ngành như Novaland, Phát Đạt, DRH Holdings… hiện đang triển khai rất nhiều dự án quy mô lên đến hàng ngàn căn hộ ven sông, góp phần tạo nên sự tranh đua thị phần hết sức sôi nổi và cũng không kém phần khốc liệt.

Trong số những nhà đầu tư lớn đang triển khai dự án tại quận 4, có thể thấy Tập đoàn Novaland đang là nhà đầu tư địa ốc sở hữu nhiều dự án có vị trí đẹp trên tuyến đường này. Cụ thể, đoạn đường đi về hướng cầu Ông Lãnh nối ra đại lộ Võ Văn Kiệt, Novaland đang sở hữu khu căn hộ Galaxy 9, khu phức hợp RiverGate nằm ngay chân cầu.

Hay dọc kênh Nhiêu Lộc (quận 3), dù hai bên bờ sông chỉ có những căn nhà hiện hữu từ trước, nhưng mới đây, UBND TP.HCM đã công bố đồ án chỉnh trang đô thị gần 110 ha đất dọc kênh Nhiêu Lộc. Đồ án này thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm, gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong đó Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World đã có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng trình đề xuất dự án chỉnh trang đô thị khu dân cư phường 9 theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ngoài ra, Công ty cổ phần Khang Thành Phú cũng đề xuất dự án chỉnh trang khu đô thị dân cư phường 7 theo hình thức PPP.

Ông Ngô Đức Sơn, Phó Tổng giám đốc DRH Holdings cho rằng, những sản phẩm bất động sản mang yếu tố gắn với cảnh quan sông nước đang là xu hướng phát triển, được nhiều nhà đầu tư săn tìm quỹ đất để triển khai và được nhiều khách hàng đón nhận.

“Các doanh nghiệp có tiềm lực thật sự, đầu tư đúng nghĩa vào các dự án mang yếu tố sông nước thì khả năng thành công sẽ rất lớn. Chưa kể còn góp phần giúp cho hệ thống kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM thay đổi diện mạo. Vấn đề là chính quyền Thành phố phải có cơ chế đủ mạnh, đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp lớn tham gia vào hoạt động vừa có ý nghĩa xã hội, vừa có ý nghĩa kinh tế cao này”, ông Sơn nói.




Bài 3: Chương trình cải tạo kênh rạch 






có cơ vỡ trận