Hội An cần ‘mặc áo’ rộng hơn

Tại một hội thảo được tổ chức mới đây tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, sau khi phát phiếu và khảo sát trực tiếp khoảng 200 chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch, bao gồm nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ lưu niệm…, ban tổ chức đã nhận được gần 70 ý kiến góp ý để Hội An có thể phục hồi tốt hơn và phát triển bền vững.

Phản hồi ý kiến của các chủ doanh nghiệp, một vị phó chủ tịch UBND thành phố Hội An đã trần tình rằng tất cả ý kiến của doanh nghiệp đều xác đáng, tuy nhiên theo ông có một số chính sách Hội An không thể thực hiện ngay được mà phải chờ hoặc làm theo chủ trương chung. Lý do là mô hình hành chính thành phố Hội An chỉ ngang với cấp huyện.

Trao đổi về lý do trở ngại vừa nêu, một số doanh nghiệp cho rằng cần cởi bó “chiếc áo chật” mà Hội An đang mặc để thay bằng “chiếc áo rộng hơn” – chiếc áo “cơ chế” – qua đó được hưởng một số chính sách tốt hơn, có lợi sự phát triển du lịch của Hội An.

Hội An là một thành phố du lịch đúng nghĩa với hơn 90% người dân tham gia trực tiếp và gián tiếp đến các hoạt động kinh doanh du lịch. Phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của Quảng Nam “đóng đô” tại Hội An. Phố cổ cũng là điểm đến ưa thích của du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, Hội An cần được phát triển nhiều hơn so với hiện nay, một doanh nhân tâm huyết với Hội An chia sẻ.

Theo vị doanh nhân này, Hội An cần sớm được phát triển thành đô thị loại 2 từ loại 3 hiện nay, cũng như hình thành cụm đô thị Hội An trong mối quan hệ với vùng phụ cận (thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên). Và muốn phát triển thành đôi thị loại 2, Hội An cần được mở rộng diện tích hơn hiện nay (100.000 người với mật độ bình quân 1.582 người/km2).

Thậm chí, nếu Hội An không thỏa một số tiêu chí để trở thành đô thị loại 2 thì có thể được “bù” bằng hai di sản thế giới được UNESCO công nhận (Hội An và Cù Lao Chàm).

Có ý kiến cho rằng trở thành đô thị loại 2 quy hoạch theo hướng thành phố di sản và du lịch sẽ giúp Hội An kêu gọi được các nhà đầu tư lớn và có nguồn lực về tài chính mạnh, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng tốt hơn trong phát triển du lịch. Mặt khác, doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn vốn cũng như cơ chế chính sách.

Nghe và ghi nhận câu chuyện của thành phố Hội An, người viết bất chợt nghĩ đến hòn đảo du lịch Bali (Indonesia) lần đầu tiên được trải nghiệm trong chuyến công tác mới đây.

Ngành du lịch cũng là mũi nhọn của Bali khi chiếm 60% hoạt động kinh tế nơi đây, chưa kể những ngành gián tiếp. Sau hai năm đối phó với dịch bệnh, Bali đang mở rộng cửa du lịch với khách trong nước và quốc tế với nhiều cách làm mà theo người viết Hội An có tham khảo trong khi “chờ” được lên đô thị loại 2. Một trong số đó là bán hàng ăn uống trên bãi biển.

Khoảng một cây số dọc bãi biển Jimbaran tại Bali được quy hoạch cho khoàng 12 nhà hàng thuê bán cả ngày lẫn đêm (đến 23 giờ). Khu vực để bàn ghế cũng được quy định để tránh tình trạng mạnh ai nấy lấn chiếm quá sâu xuống bãi biển. Mỗi nhà hàng có người phụ trách mời khách và không có tình trạng tranh giành, chèo kéo hay phá giá…

Trong khi đó, Hội An cũng có bãi biển dài và đẹp (An Bàng – Tân Thành – Cửa Đại), nhưng phần lớn hiện nay chỉ dành cho những hộ bán hàng rong với những bộ bàn ghế và các tấm thảm lót ngồi tạm bợ. Khách ngồi trên bãi biển tùy ý và thậm chí được “khuyến khích” ngồi sát ngay mép nước để tận hưởng gió và cát biển. Còn những chiếc xe bán hàng rong thi thoảng vẫn được “đi dạo” trên bãi biển.

Có thể nói, Hội An đang cần một chiếc áo rộng hơn để mặc. Và chiếc áo này có “vừa khít” hay không phụ thuộc vào sự tổng hòa của các yếu tố, bao gồm chính sách vĩ mô với cơ chế đặc thù cho đô thị di sản và du lịch Hội An, tầm nhìn của chính quyền Hội An, sự mạnh dạn đầu tư của doanh nghiệp, cùng với ý thức của người dân cũng như du khách.

Nhân Tâm

VNREX || ✅ Trang tin Bất Động Sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *