Hoành Bồ – Hạ Long “về chung một nhà”: Được gì và mất gì?


Được gì khi cả hai “về chung một nhà”?

Theo tỉnh Quảng Ninh, việc sáp nhập 2 địa phương vào một đối với huyện Hoành Bồ được coi là tạo cơ hội cho huyện này chuyển đổi sang mô hình quản lý hành chính của chính quyền đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển tốt nhất những tiểm năng, lợi thế sẵn có mà huyện chưa đủ tiềm lực khai thác, phát triển. Việc sáp nhập này cũng làm thay đổi đời sống của người dân, nhất là người dân các dân tộc ở khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện.

Sau khi hoàn tất việc sáp nhập, sẽ có một đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh rất mạnh, mở ra không gian phát triển rộng lớn trong thể thống nhất của một đơn vị hành chính, tăng cường khả năng liên kết vùng… Đồng thời cũng là đòn bẩy cho phát triển bền vững. Sáp nhập cũng sẽ giải quyết được bài toán tổng thể về vấn đề Vịnh Hạ Long và TP Hạ Long, sẽ không phải thực hiện phương châm phá đồi, lấp biển, kiểm soát và bảo vệ môi trường sẽ tốt hơn vì vịnh Cửa Lục là đầu nguồn của tất cả các thứ thải đổ ra vịnh Hạ Long…

Chưa kể, việc sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính còn giúp TP Hạ Long giải quyết nhiều bài toán khác như: xử lý rác thải, đất dành cho khu công nghiệp, giúp bố trí và phân bổ các khu chức năng của đô thị hợp lý…

Hoành Bồ - Hạ Long về chung một nhà: Được gì và mất gì? - 1

Tình trạng ô nhiễm mối trường như thế này sẽ được xử lý để đáp ứng với tiêu chí thành phố đô thị loại 1 (ảnh N.H)

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhận định: “Người dân Hoành Bồ nếu không sáp nhập vào TP Hạ Long thì vẫn nghèo mãi, từ đó sẽ nảy sinh ra các vấn đề về xã hội. Thực hiện Đề án trên sẽ nhanh chóng xóa khoảng cách giàu nghèo, các huyện giáp ranh cùng các địa phương thuộc tỉnh lân cận giáp ranh cũng có cơ hội phát triển theo. Tài nguyên được kiểm soát chặt chẽ, sẽ không có những vụ việc liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển than trái phép gây bức xúc dư luận tại địa phương này như vừa qua…”.

Ông Trần Lâm, Bí thư TP Hạ Long cũng cho rằng: “ Việc nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long sau khi hoàn thành được đánh giá sẽ tạo ra một đô thị độc đáo có một không hai về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch… Nhân lên sức mạnh về tiềm năng và lợi thế, tối ưu hóa phương pháp quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn lực nhất là đất đai, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa…”.

Hoành Bồ - Hạ Long về chung một nhà: Được gì và mất gì? - 2

Kỳ vọng sẽ không còn tình trạng khai thác than trái phép qui mô “khủng” như thế này

Còn theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Sáp nhập 2 địa phương là mở rộng không gian phát triển cho TP Hạ Long và tạo đà cho huyện Hoành Bồ thoát khỏi khó khăn như hiện nay. Theo lộ trình huyện Hoành Bồ năm 2025 sẽ lên thị xã, việc sáp nhập sẽ rút ngắn thời gian và như thế tốc độ phát triển sẽ nhanh hơn. Bên cạnh đó, sáp nhập sẽ tạo ra một thành phố mới có đầy đủ các hoạt động về, kinh tế xã hội, đặc biệt là du lịch. Hiện TP Hạ Long mới chỉ có du lịch biển nhưng sau khi sáp nhập sẽ có cả du lịch trải nghiệm về rừng, về đặc sản, về văn hóa dân tộc vùng miền… Các xã khó khăn sẽ thoát nghèo, đời sống của người dân sẽ được nâng lên”.


“Muốn thành công phải vượt qua được cản trở…”

Đó là nhận định của ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Ông Hưng cũng chỉ ra: “Cản trở lớn nhất của việc sáp nhập chính là môi trường, bụi, khói, chất thải… của các nhà máy xi măng, nhiệt điện, khai thác đá… đang tồn tại ở đây. Một đô thị có tầm cỡ không thể tồn tại một môi trường ô nhiễm. Do đó việc đưa các “thủ phạm” gây ra vấn đề trên ra khỏi Hoành Bồ cũng là việc cần thiết. Tuy nhiên không thể một sớm một chiều mà thực hiện được vấn đề lớn, cần nhiều kinh phí như thế này mà cần phải có lộ trình. Nhưng tôi tin Quảng Ninh sẽ thực hiện được nếu quyết tâm cao và có sự đồng thuận của người dân”.

Ông Nguyễn Anh Tú, Bí thư Huyện ủy Hoành Bồ cũng chia sẻ: “Việc sáp nhập 2 địa phương đúng là thuận lợi rất nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Khó khăn đôi khi đến từ việc một số cán bộ lão thành của huyện đã bày tỏ sự băn khoăn về việc huyện Hoành Bồ sau khi sáp nhập sẽ không còn tên gọi. Hiểu được tâm tư này nên tỉnh cũng đã đưa ra phương án sẽ có một phường được mang tên là phường Hoành Bồ”.

Theo tìm hiểu của phóng viên thì không chỉ các vị nguyên là lãnh đạo, cán bộ lão thành băn khoăn, trăn trở… mà ngay cả người dân mặc dù nhất chí cao với Đề án sáp nhập nhưng cũng có nhưng thắc mắc xung quanh các vấn đề: Sau khi sáp nhập vào thành phố đô thị loại 1 thì xã nghèo, các hộ dân nghèo liệu có còn được hưởng chính sách ưu đãi không? Giao thông hạ tầng xã hội, giải quyết khó khăn của những xã miền núi… liệu tỉnh có chính sách, nghị quyết kịp thời không? Các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, giải quyết các thủ tục hành chính phải ra tận Hạ Long có xa quá không? Bên cạnh đó có tâm tư cán bộ đi đâu về đâu, đặc biệt là huyện Hoành Bồ?

Hoành Bồ - Hạ Long về chung một nhà: Được gì và mất gì? - 3

Việc sáp nhập được kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán tổng thể về những vấn đề của Vịnh Hạ Long và TP Hạ Long (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Giải thích về những thắc mắc này, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Tỉnh đã có chủ trương không để cán bộ không có việc làm. Trong tháng 12 tới, kỳ họp HĐND sẽ thông qua chính sách chuyên về chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức để giải quyết sắp xếp đơn vị hành chính. Về chính sách đối với hộ nghèo tỉnh vẫn sẽ giữ nguyên, thậm chí còn tăng hơn và còn có chính sách để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Tỉnh cũng chủ trương sẽ có đơn vị thuộc trung tâm Hành chính công đóng trên địa bàn huyện, các bộ phận về y tế, giáo dục… vẫn giữ nguyên, từng bước nâng cấp để phục vụ cho người dân nên hoàn toàn không lo phải di chuyển xa”, ông Hậu cho biết thêm.


An Nhiên