Hoàn Kiếm, Hà Nội: Lộ diện Chủ đầu tư công trình 25 phố Cửa Đông

Ngay sau khi đăng tải thông tin phản ánh liên quan đến việc thi công công trình số 25 phố Cửa Đông, Chủ đầu tư của công trình này mới “xuất đầu lộ diện”.


Chủ đầu tư là ai?

Chỉ sau khi thông tin phản ánh của Công ty Minh Huy liên quan đến công trình số 25 phố Cửa Đông được đăng tải vào ngày 21/7/2019, PV mới nhận được “Ý kiến phản hồi” và “Giấy ủy quyền” từ ông Trịnh Anh Dũng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh, được ủy quyền đại diện thay cho ông Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Ninh Thúy Nga – Chủ đầu tư của công trình tại số 25 phố Cửa Đông.

Theo những phản hồi của ông Dũng, thì Chủ đầu tư hợp pháp của công trình số 25 phố Cửa Đông là ông Nghĩa, bà Nga, đã được UBND quận Hoàn Kiếm cho phép xây dựng theo Giấy phép xây dựng số 247/GPXD. Tuy nhiên, cả ông Dũng lẫn Chủ đầu tư của công trình số 25 phố Cửa Đông đều không thể giải thích lý do lại để tên ông Lê Bình Minh, cùng số điện thoại của ông Minh lên biển báo tại công trường, bên cạnh chức danh “Chủ đầu tư”.

Cho đến ngày 20/8/2019, khi PV quay trở lại công trường thi công thì biển báo có tên ông Lê Bình Minh vẫn còn nguyên đó. Như vậy, câu hỏi đặt ra là: ông Lê Bình Minh là ai, tại sao ông Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Ninh Thúy Nga – những Chủ đầu tư thực sự lại không có tên trên biển báo? Chỉ đến khi có phản ánh của hộ kinh doanh liền kề thì những người Chủ đầu tư này mới xuất hiện.

Đến ngày 5/8/2019, biển báo vẫn ghi rõ Chủ đầu tư là ông Lê Bình Minh?

Luật sư Nguyễn Văn Đạt – Công ty Luật TNHH SH Legal Việt Nam cho biết: “Theo quy định tại Quyết định số 29/2005/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội thì Chủ đầu tư có trách nhiệm lập biển báo công trình, ngoài các quy định Biển báo công trình theo Phụ lục số 2 (kèm theo Quy định này) phải đề rõ số Giấy phép xây dựng các chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc được duyệt. Nội dung biển báo theo quy định phải gồm những thông tin sau: tên công trình; địa điểm xây dựng; tên chủ đầu tư, địa chỉ, số; quy mô công trình; điện thoại liên hệ; tên nhà thầu thi công, địa chỉ, số điện thoại liên hệ; tên nhà thầu thiết kế, địa chỉ, số điện thoại liên hệ; tên nhà thầu hoặc người giám sát thi công, địa chỉ, số điện thoại liên hệ; ngày khởi công; ngày hoàn thành; bản vẽ phối cảnh công trình…

Trong vụ việc này, việc Chủ đầu tư không thực hiện lập biển báo đúng quy định có dấu hiệu công trình chưa được cấp phép hoặc dự án thi công không đúng với giấy phép được cấp. Điều 174 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.”


Cố tình vận dụng sai quy định pháp luật

Trong “Ý kiến phản ánh”, ông Dũng trích dẫn Khoản 3, Điều 3 Quyết định 29/QĐ-UBND thành phố Hà Nội ngày 9/10/2015 để đưa ra nhận định rằng Chủ đầu tư chỉ có trách nhiệm thông báo với ông Nguyễn Văn Mạnh là chủ sở hữu ngôi nhà tại số 27 Cửa Đông, mà không phải thông báo với Công ty Minh Huy, hiện là bên thuê số nhà 27 phố Cửa Đông để kinh doanh khách sạn.

Tuy nhiên, việc trích dẫn của ông Dũng còn chưa đầy đủ, chính xác mà mới chỉ trích dẫn 1 phần của toàn bộ Khoản 3, Điều 3 Quyết định 29/QĐ-UBND. Cụ thể hơn, Điều khoản này có nội dung như sau:

“Đối với các công trình xây dựng gần các công trình hiện có, trước khi khởi công xây dựng, chủ đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho chính quyền cơ sở, chủ công trình liền kề về quy mô, thời gian xây dựng công trình, các biện pháp tổ chức khảo sát, thi công công trình bảo đảm an toàn, cam kết đền bù khi việc thi công làm hư hỏng công trình liền kề.

Chủ đầu tư có trách nhiệm khảo sát hiện trạng và lập Hồ sơ khảo sát hiện trạng công trình liền kề. Hồ sơ khảo sát hiện trạng công trình liền kề có thể thực hiện bằng cách chụp ảnh, đo vẽ, lập sơ đồ và cần lập thành biên bản có xác nhận của chủ sở hữu, chủ sử dụng công trình liền kề, đại diện chính quyền địa phương.

Chủ đầu tư phải chủ động làm việc với chủ sở hữu, sử dụng công trình liền kề và phối hợp với chính quyền địa phương để thống nhất kế hoạch khảo sát hiện trạng. Trường hợp chủ công trình liền kề không đồng ý cho khảo sát, chủ đầu tư thực hiện khảo sát mặt ngoài có sự chứng kiến của UBND cấp xã và đại diện tổ dân phố, lập biên bản khảo sát làm cơ sở để giải quyết đền bù hoặc khiếu kiện.”

Như vậy, điều khoản này nêu rõ không chỉ nhắc đến cả chủ sở hữu công trình số 27 phố Cửa Đông là ông Mạnh mà cả chủ sử dụng công trình – tức Công ty Minh Huy. Thực tế, ông Mạnh cũng không phải là người sinh sống tại số 27 Cửa Đông mà người sử dụng hợp pháp công trình này là Công ty Minh Huy. Do đó, nếu theo đúng quy định pháp luật thì Chủ đầu tư tại số 25 Cửa Đông còn phải gửi thông báo phá dỡ công trình cho Công ty Minh Huy chứ không chỉ ông Mạnh.

Công trình số 25 phố Cửa Đông vẫn ngày đêm thi công cho dù bị phản ánh

Có thể thấy rằng, việc Chủ đầu tư của công trình số 25 phố Cửa Đông gửi “Ý kiến phản hồi” tới PV, yêu cầu gỡ bỏ phản ánh về thực trạng công trình thi công gây ảnh hưởng tới các hộ liền kề bằng các lập luận thiếu sót là không có căn cứ. Bên cạnh đó, thay vì đưa ra một lời giải thích rõ ràng cho các hành vi của mình, thì đại diện Chủ đầu tư công trình số 25 phố Cửa Đông lại gửi “Ý kiến phản hồi” với yêu cầu PV phải cải chính, xin lỗi vì đã “gây thiệt hại” cho vị Chủ đầu tư “giấu mặt”, nhưng lại không thể đưa ra thiệt hại này là gì?

“Nếu thi công gây lún, nứt thì Chủ đầu tư của công trình số 25 Cửa Đông phải dừng thi công và thỏa thuận bồi thường theo đúng quy định pháp luật. Những thiệt hại mà Công ty Minh Huy phải gánh chịu, trách nhiệm của chủ đầu tư thế nào? Điều này cần được các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra làm rõ”, luật sư Đạt nhấn mạnh.

Hiện tại, những phản ánh của Công ty Minh Huy đang được UBND phường Cửa Đông tiếp nhận, xử lý. 


Đỗ Minh