TP HCM tiếp tục kiến nghị thành lập thành phố phía Đông

khudothimoithuthiem-saoi-3501-1588924951

Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 là một phần trong đề án xây dựng thành phố phía Đông của TP HCM. Ảnh:

Độc Lập

Tại buổi làm việc trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ về kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2020 diễn ra sáng 8/5, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM tiếp tục kiến nghị về việc thành lập thành phố phía Đông trên cơ sở sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức.

Ông Nhân nhận định động lực phát triển kinh tế trong 10 năm tới của thành phố là khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông dựa trên lợi thế sẵn có của 3 quận. Trong đó, Q.9 có Khu Công nghệ cao; Q.Thủ Đức nơi đào tạo và nghiên cứu khoa học với 15 trường đại học và hơn 100.000 sinh viên, còn Q.2 có lợi thế là trung tâm tài chính mà điểm nhấn là Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ông Nhân thông tin khu vực này rộng hơn 21.000 ha, hơn 1 triệu dân, nếu tích hợp lại sẽ đóng góp 30% GDP của thành phố, tương đương 4 – 5% GDP cả nước. Nếu thành lập được thì đây là quả đấm kinh tế và GDP bằng nhiều tỉnh thành khác cộng lại.

“Trước năm 1975 thì 3 quận hiện nay chính là huyện Thủ Đức. Bây giờ gọi là thành phố thuộc thành phố thì hơi lạ nhưng cơ bản đây là thành phố trực thuộc tỉnh và nhiều nơi đã có. Thành phố thiết tha xin chủ trương để được hướng dẫn trong quý 3 trình đề án”, ông Nguyễn Thiện Nhân xin ý kiến Chính phủ.

Trước đó, Bộ Xây dựng cho biết đã nhận được văn bản của UBND TP.HCM xin ý kiến về việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố tại phía Đông – đề xuất chưa có tiền lệ. Trong nội dung phúc đáp, Bộ Xây dựng cho biết TP.HCM chưa đủ cơ sở pháp lý để thành lập thành phố phía Đông.

Liên quan đến tình hình hoạt động các doanh nghiệp, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết đến nay TP HCM có 7.773 doanh nghiệp phá sản hoặc đóng cửa, chiếm 3% trong tổng số doanh nghiệp. TP.HCM đang triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp tục sản xuất trở lại, phục hồi kinh tế.

Hiện Chính phủ và TP.HCM có các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp để phục hồi nhưng ông Nhân cho rằng gói hỗ trợ của Trung ương rất quan trọng. Do vậy, ông Nhân đề xuất Chính phủ dành 20% tổng gói hỗ trợ của Chính phủ để giúp các doanh nghiệp tại thành phố phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang cân nhắc làm với doanh nghiệp theo nguyên tắc giao cho doanh nghiệp giải ngân và sau đó hậu kiểm trong vòng 3 – 6 tháng.