Hậu di dời các nhà máy khỏi nội đô Hà Nội: Những cái “chết” được báo trước

Hậu quả vụ cháy khu nhà kho của Công ty Rạng Đông ngày càng nóng không chỉ bởi đây là sự cố môi trường, mà còn bởi những thông tin không nhất quán từ phía doanh nghiệp và cả chính quyền đã tạo tâm lý bất an trong nhân dân. 

Theo chuyên gia hóa chất Đỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và An toàn hóa chất (Hội Hóa học Việt Nam), sự cố cháy Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, ngay từ đầu, phải được nhìn nhận là sự cố môi trường do phát tán hóa chất, chứ không phải là sự cố cháy đơn thuần.

Ấy vậy mà phường ra cảnh báo, quận thu hồi, cục nói một đằng, sở nói một nẻo,… đến mức người dân không còn biết tin vào đâu và phải tự cứu mình trước khi… chính quyền cứu, bằng cách sơ tán ra khỏi khu vực cháy, tìm cách bán nhà để chuyển đi chỗ khác… cho nó lành. Bán nhà, bán căn hộ vào lúc này chắc chắn là bán đổ bán tháo mà cũng chẳng dễ gì bán được. Còn các hộ kinh doanh thực phẩm trong khu vực lại điêu đứng không kém vì không bán được rau quả, do người dân lo ngại nhiễm độc.

Cả một cộng đồng dân cư lớn bị thiệt hại, bị xáo trộn cuộc sống, bị đe dọa về sức khỏe, hoang mang, lo sợ, ấy vậy mà lãnh đạo thành phố vẫn nói là “dân không bức xúc gì” thì quả là… bức xúc. Tôi không muốn đổ thêm dầu vào… đám cháy, nhưng nói thật, bây giờ cho dù có thông báo đúng sự thật đi nữa thì có lẽ, người dân cũng vẫn bán tín bán nghi. Đó là cái mất lớn tiếp theo: Mất lòng tin!

Cùng với sức nóng từ hậu quả sự cố môi trường này, mấy ngày nay dư luận cũng không kém phần bức xúc về việc di dời các nhà máy trong khu dân cư ở nội đô Hà Nội, trong đó có Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Chủ trương đã có, danh mục các nhà máy cần di dời Thủ tướng cũng đã phê duyệt, thậm chí cả biện pháp, lộ trình di dời Thủ tướng cũng đã có quyết định, thế nhưng thử hỏi, trong số 186 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy nổ cần phải di dời mà Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội đã báo cáo, đến nay thành phố đã di dời được bao nhiêu, liệu có đếm đủ trên đầu ngón tay?

Sau sự cố Rạng Đông, Thủ tướng cũng đã nhắc nhở Hà Nội về chuyện này. Và Hà Nội chắc cũng không thể làm ngơ mãi được nữa. Nhưng vấn đề là công việc có được thực hiện rốt ráo, hay lại chỉ nóng như… nước, sốt được ít ngày rồi đâu lại vào đó? Để rồi khi xảy ra “cháy nhà, chết người” thì người dân lại phải trả giá.

Khung cảnh nhà máy Rạng Đông sáng ngày 12/9 – nửa tháng sau khi vụ cháy xảy ra. Ảnh: VnExpress

Nhưng cứ cho là kế hoạch di dời được thực hiện đi chăng nữa, dư luận lại dấy lên nỗi lo là sau khi di dời, những mảnh đất vàng kia sẽ dược dùng vào việc gì? Liệu những khu đất ấy có được dùng để xây trường học, làm công viên cây xanh, nơi sinh hoạt cộng đồng cho cư dân…, hay sẽ lại mọc lên những chung cư cao tầng, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê… để mật độ dân số tăng theo chiều thẳng đứng???

Nỗi lo này là có cơ sở. Đơn cử với Công ty Rạng Đông: Tháng 9/2018 công ty này xin ý kiến cổ đông bổ sung ngành nghề kinh doanh. Và trước thời điểm bị cháy nhà máy ở Hạ Đình, trong danh sách ngành nghề kinh doanh của Rạng Đông được ghi trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh bất động sản đã được bổ sung. Và không ít doanh nghiệp có cơ sở trong danh sách phải di dời, điển hình như dọc đường Nguyễn Tuân thành sự đã rồi hay khu Cao – Xà – Lá ở thì tương lai gần… cũng đã có những “bước đi” dọn đường như thế để sẵn sàng biến nhà máy thành… chung cư.

Không nói thì chắc hẳn ai cũng đều hình dung ra cảnh tượng khi các chung cư lấp đầy các nhà máy di dời. Điện nước quá tải, giao thông tắc nghẽn, trường học thiếu thốn, nói gì đến cây xanh, còn công viên chỉ là chuyện phù phiếm. Bê tông bủa vây, hiệu ứng đô thị biến các chung cư thành cái chảo lửa. 

Chẳng nói đâu xa, không tin mọi người cứ đến đường Nguyễn Tuân sẽ thấy “bảo tàng sống” về sự biến các nhà máy thành chung cư. 

Bài học sờ sờ trước mắt nhưng vì lợi ích riêng và lợi ích nhóm, người ta luôn sẵn sàng đem cư dân ở những khu vực như thế làm vật tế thần… tiền của họ.

Vậy là, thay vì giải quyết ô nhiễm công nghiệp, nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường bởi tiếng ồn, hóa chất và khí thải, người ta lại biến nơi đó thành ổ “ô nhiễm” về hạ tầng, cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Không trường học, không cây xanh, không không gian công cộng và giao thông tắc nghẽn triền miên, đó là những con đường “chết” và không gian “chết”.

Đó là cái “chết” thứ nhất.

Nhưng ai là người trực tiếp hoặc tiếp tay cho việc biến những khu đất của nhà máy sau khi di dời thành chung cư, thành khu thương mại, thành văn phòng cho thuê dẫn đến cái “chết” về hạ tầng và môi trường? Đó là câu hỏi dễ mà khó.

Dễ là bởi không khó để nhận ra cá nhân, cơ quan nào có quyền phê duyệt, cấp phép hoặc hoàn tất các thủ tục để gián tiếp hợp thức hóa, dọn đường cho việc phê duyệt, cấp phép này. Cũng không khó để đoán ra cái gì đã khiến người ta hy sinh lợi ích cộng đồng. Nhưng ai là người trực tiếp hoặc tiếp tay cho việc biến những khu đất của nhà máy sau khi di dời thành chung cư, thành khu thương mại, thành văn phòng cho thuê dẫn đến cái “chết” về hạ tầng và môi trường? Đó là câu hỏi dễ mà khó.

Nhưng khó là bởi nó sẽ được thực hiện một cách tinh vi và vấn đề ai sẽ là người đưa vụ việc ra ánh sáng?

Đó cũng là cái “chết” về tổ chức, nhân sự.Nhưng tiền nhân có câu, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, rằng lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt. Thanh thiên bạch nhật còn rõ ràng đó vụ Thủ Thiêm, vụ Vũ “nhôm”, hay việc biến sân bay Nha Trang thành nhà ở… Để rồi, cùng với việc thất thoát lớn tài sản nhà nước, mất lòng tin đối với dân còn là sự mất mát về cán bộ. Người phất lên vì đất rất nhiều, nhưng người “chết” vì đất, đặc biệt là cán bộ nhà nước, cũng không ít. Mất cán bộ, đã đành, nhưng lớn hơn là mất uy tín, mất lòng tin.

Nhưng đó là những cái chết được báo trước của “hậu di dời” các nhà máy ra khỏi nội đô Hà Nội.

Còn nếu khổ cảnh đó không diễn ra, nghĩa là các khu đất khi nhà máy Rạng Đông, các nhà máy Cao su, Xà phòng, Thuốc lá, mà dân gian quen gọi là khu Cao – Xà – Lá và gần 200 nhà máy khác ở nội thành Hà Nội di dời, sẽ được ưu tiên để xây trường học, khu vui chơi giải trí, làm công viên, trồng cây xanh… theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì thật phúc cho dân, cho nước.