Dự kiến giai đoạn 1 cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đầu tư hơn 16.700 tỷ đồng

Ngày 7/12, kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khóa X, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng đã trình HĐND TP nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.

Thành phố sẽ chi 5.936 tỷ đồng ngân sách giai đoạn 2021 – 2025, làm cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Trong đó, hơn 5.900 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng; 35 tỷ đồng cho các chi phí chuẩn bị dự án và sẽ được nhà đầu tư trúng thầu hoàn trả lại ngân sách.

Sơ đồ tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Sơ đồ tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.

Dự án bắt đầu từ đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi đến tuyến song song với quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối nối vào quốc lộ 22.

Theo quy hoạch, mặt cắt ngang đoạn qua địa phận TP.HCM gồm 8 làn xe, đoạn còn lại thuộc tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe. Chiều dài toàn tuyến khoảng 50km, trong đó đoạn qua TP.HCM khoảng 23,7km và đoạn qua tỉnh Tây Ninh khoảng 26,3km. Thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2022 – 2027.

Tuyến đường đi qua 2 địa phương, nhưng TP.HCM được giao chủ trì thực hiện. Đây là công trình rất quan trọng, giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đồng thời phá thế độc đạo, tạo tuyến đường mới kết nối TP.HCM qua Tây Ninh, giảm tải quốc lộ 22.

Dự án với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 16.729 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo Hợp đồng BOT; Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách của TP.HCM và tỉnh Tây Ninh. Dự kiến thời gian hoàn vốn 18 năm 1 tháng.

Cũng tại kỳ họp, UBND TP.HCM trình HĐND TP duyệt chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật dài khoảng 8km) với tổng vốn hơn 9.300 tỷ đồng, giúp chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm.

Công trình sử dụng vốn ngân sách và sẽ được bố trí vốn theo 2 giai đoạn. Từ 2021 – 2025, thành phố sẽ chi gần 6.650 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ, khởi công. Hơn 3.000 tỷ đồng sẽ được chi trong 5 năm để thi công và quyết toán dự án.

UBND TP.HCM cũng trình HĐND TP dự thảo nghị quyết quy định hệ số điều chỉnh tăng thu nhập năm 2023 đến khi hết thí điểm Nghị quyết 54.

Theo Nghị quyết 54, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần (năm 2018), 1,2 lần (năm 2019) và 1,8 lần (năm 2020) so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ năm 2020 đến nay, TP chưa thực hiện được hệ số tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vì thế, UBND TP.HCM trình HĐND TP điều chỉnh hệ số tăng tối đa là 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ.

Hoàng Thọ

VNREX || ✅ Trang tin Bất Động Sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *