Cổ đông quyền lực nhất của Nước sạch sông Đà là “bố già M&A”


Mối quan hệ của Gelex tại Nước sạch Sông Đà: Chi phối mọi quyền lực, trừ việc chịu trách nhiệm?

CTCP Đầu tư nước sạch sông Đà – Viwasupco (mã VCW) tiền thân là đơn vị thực hiện dự án Nhà máy nước sạch Sông Đà trực thuộc Tổng CTCP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam – Vinaconex (mã VCG), được thành lập vào tháng 3/2009, với vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng. Trong đó, Vinaconex nắm quyền chi phối với 51% cổ phần.

Tháng 11/2016, Viwasupco chính thức đưa 50 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UpCOM với mã chứng khoán VCW. Một năm sau, Vinaconex hoàn tất thoái vốn tại Viwasupco.

Khi Vinaconex thoái vốn, đã có nhiều doanh nghiệp nhòm ngó và nhìn thấy tiềm năng của VCW. Trong đó, CTCP Cơ điện lạnh (mã REE) đã mua vào hơn 17 triệu cổ phiếu, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 34,68%. Nhưng REE đến nay cũng chỉ là cổ đông lớn thứ hai sau Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex. Nhiều lần mua vào cổ phiếu với số lượng lớn và giao dịch lòng vòng, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của Viwasupco từ tháng 3/2018, với 47,1% cổ phần.

Vừa qua, cuối tháng 6/2019, Viwasupco thực hiện thưởng cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 và nâng vốn điều lệ lên mức 750 tỷ đồng. Năng lượng Gelex vẫn là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 60,46% cổ phần, REE là cổ đông lớn còn lại, sở hữu 35,95% vốn. Lượng cổ phiếu lưu hành tự do chỉ chiếm chưa đến 4%.

Gelex nắm trên 60% vốn tại Viwasupco

Với số lượng cổ phiếu nắm giữ, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex đương nhiên nắm quyền chi phối tại Viwasupco.

Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex được sở hữu 100% bởi Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam Gelex (mã GEX). Gelex tự tin cho biết, đang sở hữu chi phối Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà, đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho Hà Nội, với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ ngày đêm.

Tự tin là vậy bởi GEX đang hái ra tiền từ Viwasupco. Viwasupco liên tục tạo ra hàng trăm tỷ đồng doanh thu mỗi năm với biên lãi gộp trên 50% trong 3 năm trở lại đây. Tương đương “làm 2 ăn 1”.

Năm 2018, Viwasupco ghi nhận mức doanh thu kỷ lục với 468 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về 218 tỷ đồng, cao hơn 29% so với kết quả đạt được năm trước.

Tính từ năm 2012 đến nay, doanh thu của công ty này đã tăng gần 1,7 lần và lợi nhuận sau thuế tăng gấp hàng trăm lần (năm 2012 công ty chỉ lãi 215 triệu đồng).

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, công ty đã ghi nhận 263 tỷ đồng doanh thu và 126 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 22% và 31% so với nửa đầu năm ngoái.

Năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu 534 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 183 tỷ đồng. Kế hoạch khá thận trọng với sự giảm nhẹ của lợi nhuận nhưng thực hiện lại cao hơn nhiều.

Tại ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Công ty nước sạch Sông Đà đạt 1.477 tỷ đồng. Nợ phải trả của Nước sạch Sông Đà là 453 tỷ. Trong đó, chủ yếu là người mua trả tiền trước. Công ty có khoản vay nợ dài hạn 387 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 1.023 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 271 tỷ đồng.

Trách nhiệm về nước bẩn cung cấp cho nhiều quận Hà Nội thuộc về những cổ đông lớn nhất?

Viwasupco là đơn vị cấp nguồn nước mặt từ nhà máy nước mặt Sông Đà và một số nhà máy nước quy mô nhỏ khác cho hầu hết công ty nước sạch còn lại. Viwasupco hiện là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực phía Tây Nam TP. Hà Nội, gồm các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, một số quận nội thành và khu vực thuộc Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc -Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông.

Công ty có thể gặp một số rủi ro hoạt động vì nhu cầu đăng ký sử dụng nước của khách hàng rất lớn, và ngày càng gia tăng. Nhưng khả năng cung cấp nước của công ty bị hạn chế do nhà máy đã khai thác hết công suất của tuyến ống truyền tải nước sạch.

Ngoài ra, 90% lượng nước sản xuất của công ty đang bán cho 3 khách hàng gồm Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Đông nên những thay đổi bất thường trong nhu cầu của ba khách hàng này sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của công ty. Viwasupco cũng lo ngại việc xuất hiện một số đối thủ cạnh tranh có tiềm lực có thể đe dọa đến khả năng tăng trưởng, thậm chí giảm sản lượng của công ty trong những năm sau này.

Trước đó, từ năm 2012 – 2016, Viwasupco cũng “vật vã” khi đường ống dẫn nước sông Đà vỡ 21 lần, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của hàng trăm nghìn hộ dân trên địa bàn thành phố. Sự việc này gây nhức nhối trong dư luận suốt thời gian dài và khiến ban lãnh đạo của công ty bị truy tố.

Dù vậy, bất chấp những tai tiếng liên quan đến nguồn nước nhưng Viwasupco – cụ thể là cổ đông lớn vẫn hái ra tiền từ ngành kinh doanh này. Bởi nhu cầu nước sạch của người dân Hà Nội là vô cùng cấp thiết.

Chẳng hạn năm 2018, với lượng cổ phần sở hữu chi phối, Gelex sẽ thu về hơn 100 tỷ đồng từ Viwasupco. Tất nhiên, đó chỉ là con số trên sổ sách. Còn theo các chuyên gia trong ngành, lợi nhuận mà Gelex thực tế thu về còn cao hơn nhiều. 

Thế nhưng, trong thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao vụ việc nguồn nước sinh hoạt của nhiều hộ dân trên địa bàn Hà Nội do Viwasupco cung cấp có mùi khét, nhờn nhớt; Gelex không rõ sẽ chịu trách nhiệm ra sao!


Gelex và dàn lãnh đạo siêu quyền lực

Việc nguồn nước bị nhiễm độc dầu nhớt khiến cư dân Hà Nội khốn khổ tìm nguồn nước sạch và hoang mang bệnh tật. Trong khi đó, không hiểu sao, những lãnh đạo thật sự của Viwasupco với tiềm lực tài chính lớn , thừa khả năng khắc phục, hỗ trợ người dân trong lúc này lại đứng ngoài cuộc?

Gelex – Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện được thành lập ngày 10/7/1990 nhằm tập trung sức mạnh các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc ngành công nghiệp kỹ thuật điện.

Tháng 12/2010, doanh nghiệp này được cổ phần hoá để trở thành Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex). Ông Nguyễn Văn Tuấn giữ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Gelex.

Gelex hiện nắm giữ 100% vốn tại Công ty TNHH Một thành viên năng lượng Gelex Energy hoạt động trong 3 lĩnh vực: Đầu tư sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo với dự án điện măt trời Ninh Thuận, Bình Thuận; đầu tư thủy điện với các dự án điển hình như Thủy điện Sông Bung 4A, Thủy điện Canan 1, Canan 2 và đầu tư khai thác và cung cấp nước sạch phục vụ đô thị với trọng điểm là Dự án nước sông Đà.

Tài sản khủng của Gelex

Đặc biệt, đối với lĩnh vực bất động sản Canan đang tập trung khai thác các quỹ đất hiện có của các đơn vị trong toàn hệ thống theo hướng phát triển trọng tâm là khách sạn, văn phòng, bán lẻ và bất động sản công nghiệp (nhà xưởng, bến bãi).

Các dự án trọng điểm của Canan có địa điểm tại các vị trí vàng các thành phố lớn như: Tổ hợp khách sạn năm sao Melia Hà Nội và tòa nhà văn phòng HCO; Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27-29 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm; Tòa nhà văn phòng cao cấp GELEX TOWER 52 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng. Ngoài ra, TCT đã và đang đẩy mạnh việc đầu tư vào các khu công nghiệp như Khu công nghiệp Cát Hải – Hải Phòng, Tiền Phong – Quảng Ninh.

Doanh thu năm 2018 của Gelex đạt mức tăng trưởng 14% so với cùng kỳ, lên gần 13.700 tỷ đồng – mức doanh thu kỷ lục từ trước đến nay. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 942 tỷ đồng tăng trưởng 47,8% so với năm 2017.

Khách sạn Melia Lý Thường Kiệt bao gồm Khách sạn Melia và Tòa nhà văn phòng cho thuê Hanoi Center Office (“HCO”), tọa lạc tại vị trí 44B Lý Thường Kiệt, trung tâm tài chính và ngoại giao của Hà Nội thuộc sở hữu của Gex

Trong năm 2018, Gelex tăng trưởng đều ở tất cả các mảng kinh doanh. Trong đó, theo báo cáo, riêng mảng thiết bị điện đạt mức tăng trưởng 8,7% so với cùng kỳ;

nhóm ngành nước sạch đạt mức tăng trưởng 13%

, còn doanh thu nhóm ngành logistics tăng 21% so với năm 2017. Đối với nhóm ngành bất động sản, hiện công ty đã hoàn thành và khai thác hệ thống Gelex 52 Lê Đại Hành, Khách sạn Melia Hà Nội, Khách sạn Bình Minh số 10 Trần Nguyên Hãn, Hà Nội.

Trong quý II/2019, doanh thu tăng mạnh kèm biên lãi gộp tốt hơn hẳn cùng kỳ giúp Gelex có kỳ kinh doanh đột phá, lợi nhuận trước thuế đạt 366,5 tỷ đồng, tăng hơn 80% so với quý II năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng 84,7%, đạt trên 302 tỷ đồng.

Điểm nhấn của Gelex không đơn thuần là hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh nhờ những ngành độc quyền mà doanh nghiệp này được điều hành bởi dàn lãnh đạo quyền lực.

Gelex nổi tiếng trong giới tài chính khi tham gia vào những cuộc đua thâu tóm bằng cách sử dụng một bên thứ ba để nắm giữ các doanh nghiệp có vốn nhà nước tương tự như Nước sạch Sông Đà.

Còn nhớ vào cuối năm 2017, Vinaconex đã phải “buông” toàn bộ cổ phần tại Nước sạch Sông Đà. Khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Sinh Thái đã và Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) tham gia gom cổ phiếu này.

Công ty Đầu tư phát triển Sinh Thái khi liên tục mua gom cổ phần thoái vốn từ Vinaconex gồm nhiều đợt. Sau đó, chốt hạ đã ngay lập tức sang tên 25,21 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex ngày 4/1/2018.

Khó có thể phủ nhận rằng, Sinh Thái chỉ là cái tên đứng ra gom cổ phần cho nhà đầu tư giấu mặt là Gelex vì nhóm này không muốn lộ diện ngay từ ban đầu.

Chủ tịch của Năng lượng Gelex là ông Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1984, tại Hà Nam. Ông Tuấn đã được biết đến ngay trong thương vụ M&A, mua cổ phần thoái vốn tại Gex từ Bộ Công Thương. Gelex cũng đang sở hữu trên 90% cổ phần tại Công ty Dây cáp điện Việt Nam (CAV)…

Chủ tịch Gelex đồng là người chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ nước bẩn tại Nước sạch Sông Đà?

Hiện ông Tuấn đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam, Chủ tịch Công ty Dây cáp điện Việt Nam, Chủ tịch Công ty TNHH Thiết bị điện, Phó Chủ tịch Công ty TNHH S.A.S – Ctamad, Phó Chủ tịch Công ty Hạ tầng Fecon.

Với chiến lược năm 2019, tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, dự kiến “cánh tay bố già” sẽ còn tiếp tục thực hiện những vụ M&A khác.

Đó là lý do mà giới tài chính chỉ dành cái lắc đầu cho Gelex. Một dàn lãnh đạo khủng với những chiến thuật cao tay thâu tóm vốn Nhà nước cùng với những doanh nghiệp siêu lợi nhuận, siêu dự án bất động sản… nhưng lại thiếu trách nhiệm, cần nhìn nhận lại đạo đức?



Phóng viên


sẽ tiếp tục thông tin về những cuộc thâu tóm đất vàng – doanh nghiệp vốn Nhà nước của Chủ tịch Năng lượng Gelex – ông Nguyễn Văn Tuấn…