Dời nhà máy, trường đại học khỏi nội đô: Cần chế tài đủ mạnh

Tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra trước các cổng trường đại học, cao đẳng. Ảnh: Hữu Chánh

Kế hoạch lớn, thực hiện chậm

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 97 trường đại học, học viện và 33 trường cao đẳng với khoảng 660.000 sinh viên đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đây là số dân cơ học không nhỏ gây áp lực lớn lên hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông Thủ đô.

Không chỉ trường học, khu vực nội đô Hà Nội, nhiều nhà máy, khu công nghiệp như nhà máy Dệt kim Đông Xuân, nhà máy Bia Đông Nam Á, nhà máy sản xuất bóng đèn phích nước Rạng Đông,… vẫn duy trì hoạt động.

Cùng với đó là thực trạng cơ sở công nghiệp đã dừng sản xuất, nhưng chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đời sống dân sinh.

Tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra trước các cổng trường đại học, cao đẳng. Ảnh: Hữu Chánh
Tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra trước các cổng trường đại học, cao đẳng. Ảnh: Hữu Chánh

Kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô được đề cập lần đầu trong quyết định của Thủ tướng vào năm 2003. Đến năm 2015, việc này tiếp tục được nêu trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

UBND TP Hà Nội có 5 lần thành lập Ban Chỉ đạo (trong các năm 2007, 2009, 2015, 2017 và 2021) để thực hiện kế hoạch này. Điều này cho thấy quyết tâm của Hà Nội khi đưa ra lộ trình cụ thể cho từng nhà máy, xí nghiệp.

Năm 2016, báo cáo tác động môi trường của Luật Thủ đô đã xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành, nhưng đến nay cũng chỉ di dời được gần 70 cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành.

Trường Đại học Luật thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô. Ảnh: Hữu Chánh
Trường Đại học Luật Hà Nội thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô. Ảnh: Hữu Chánh

Trước đó, năm 2011, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đề cập việc “phân bố, sắp xếp lại hệ thống trường đại học và cao đẳng, khu vực nội đô khống chế khoảng 30.000 sinh viên”.

Mục tiêu được đề ra là giảm tải hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho nội thành, quỹ đất sau khi di dời trường đại học được sử dụng vào mục đích công cộng, phục vụ đô thị. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có một số cơ sở giáo dục được di dời.

Nhiệm vụ cấp bách

Liên quan đến việc di dời các nhà máy cũ, cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, trường đại học,… ra khỏi nội đô, Bí thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là trăn trở của các lãnh đạo Hà Nội qua nhiều nhiệm kỳ, đồng thời cũng là vấn đề thành phố cần ưu tiên giải quyết trong thời gian tới.

Theo Bí thư thành ủy Hà Nội, nguồn lực để di dời các cơ sở này còn rất hạn chế. “Địa điểm mới có rồi, phương án có rồi, nhưng cần quyết tâm chính trị để thực hiện”, ông Đinh Tiến Dũng nói.

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, vấn đề di dời nhà máy, xí nghiệp, cơ sở y tế, cơ quan đơn vị hành chính ra khỏi khu vực nội đô nhằm mục đích giảm thiểu tác động về ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng cho khu vực trung tâm Hà Nội.

“Đây được xem là nhiệm vụ cấp bách, nhưng thời gian qua việc di dời các trường đại học ra ngoại thành quá chậm. Nhiều cơ sở công nghiệp mặc dù nằm trong danh sách buộc phải di dời gấp vẫn chây ỳ chưa chịu thực hiện, do các cơ sở mong muốn có nhiều lợi ích hơn từ vị trí đắc địa của trụ sở cũ”, ông Chính nói và cho rằng, cơ quan chuyên môn của Hà Nội cũng chưa thực sự quyết liệt trong công tác này.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, đối với những nhà máy, xí nghiệp chậm di dời, Hà Nội cần một chế tài đủ mạnh để buộc những cơ sở này phải trả lại quỹ đất, vì thực tế, để doanh nghiệp tự giác bàn giao lại mặt bằng là rất khó khăn.

“Nếu doanh nghiệp vẫn cố tình duy trì một lượng sản xuất nhỏ trong phố để giữ đất thì phải có biện pháp xử lý nghiêm, nhất là sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, gây nguy hại cho khu dân cư”, ông Nghiêm nói.

Ông Nghiêm cũng cho rằng, Hà Nội phải kiên quyết di dời, thu hồi quỹ đất trả đơn vị quản lý và sử dụng theo quy hoạch. “Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về phát triển bền vững, không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường sống của cộng đồng”, ông Nghiêm nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *