Đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản 1 năm chẳng khác gì “khai tử” DN!

Để xử lý DN không thực hiện đúng quy định công khai thông tin dự án bất động sản hình thành trong tương lai, một trong những kiến nghị của TP.HCM là bổ sung hình thức xử phạt hành chính “đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đến 12 tháng” và kiến nghị này khiến DN lo lắng.

Thời gian qua, UBND TP.HCM đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét, giải quyết những bất cập trong giao dịch bất động sản.

Một trong những kiến nghị đáng chú ý, đó là UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất quy định chủ đầu tư thực hiện thông báo công khai thông tin về bất động sản hình thành trong tương lai tại UBND các quận, huyện nơi dự án được triển khai.

Theo đó, đối với chủ đầu tư có hành vi không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về tình trạng của bất động sản theo quy định, TP.HCM đề xuất bổ sung hình thức xử phạt hành chính “đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đến 12 tháng”; bổ sung “hợp đồng bảo lãnh của tổ chức tín dụng” trong thành phần hồ sơ đề nghị Sở Xây dựng có văn bản thông báo bất động sản đủ điều kiện được bán, cho thuê mua…

Đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản 1 năm chẳng khác gì khai tử DN!




Ảnh minh họa

Trước đề xuất trên, trao đổi với PV Infonet, lãnh đạo một doanh nghiệp có nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội cho hay, được bán nhà hình thành trong tương lai là sự “cởi mở” của luật pháp, tạo điều kiện cho chủ đầu tư có thể thu hồi vốn sớm hơn, có lợi cho thị trường bất động sản lẫn chủ đầu tư khi bớt được căng thẳng về tài chính… Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn có một số đơn vị không nghiêm túc, kể cả từ phía chủ đầu tư lẫn khách hàng.

Vị này dẫn chứng như vụ lừa bán đất ở Địa ốc Alibaba, không đủ điều kiện pháp lý đã bán dự án hình thành trong tương lai lừa đảo, lợi dụng không công khai minh bạch những vấn đề pháp lý, những quy hoạch… rồi thu tiền của người mua.

“Đề xuất của TP.HCM là đúng; có điều cần quy định công khai những tài liệu pháp lý tối thiểu để người dân, khách hàng biết được dự án đủ điều kiện được triển khai. Nhưng nếu công khai tất cả tài liệu của dự án thì có những dự án đang triển khai lại có những yêu cầu hơi quá, thành ra gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cơ quan soạn thảo luật pháp cần cân nhắc câu chữ để văn bản được ban hành rõ ràng, hướng dẫn chuẩn”, vị lãnh đạo này nêu quan điểm.

Mặc dù cho rằng đề xuất nêu trên của TP.HCM là có cơ sở đối với những doanh nghiệp làm sai thì bị xử phạt, nhưng ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, đề xuất “đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đến 12 tháng” là “bóp nghẹt” doanh nghiệp.

Bởi lẽ, theo ông Đực, thành phố mới chỉ nhìn một phía là lỗi của các doanh nghiệp mà không tìm hiểu nguyên nhân vì sao doanh nghiệp làm sai và có biện pháp tháo gỡ.

“Chính quyền đã hỗ trợ gì cho doanh nghiệp chưa hay cứ làm khó doanh nghiệp rồi để họ không có thủ tục đầy đủ, buộc doanh nghiệp phải “cầm đèn chạy trước ô tô. Hiện nay TP.HCM có tới hơn 80% dự án “đắp chiếu” vì dính tới một phần đất công, dính tới phần đóng tiền sử dụng đất chưa đánh giá được, thủ tục rườm rà, chồng chéo lẫn nhau, cán bộ thụ lý không biết lựa chọn thông tư hướng dẫn nào khi có nhiều trường hợp bị chi phối bởi 2 hoặc 3 thông tư hướng dẫn…”, ông Đực nêu thực trạng.

Do đó, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, với đề xuất “đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đến 12 tháng” thì coi như giết doanh nghiệp bởi doanh nghiệp có 4-5 dự án nhưng họ chỉ bị 1 dự án mà lại bị đình hoạt động kinh doanh tức là giết luôn các dự án kia… trong khi mỗi dự án kéo dài 5-7 năm trời mới làm xong thủ tục dự án.

“Đề xuất này coi như “khai tử” doanh nghiệp, sau khi đình chỉ hoạt động 12 tháng thì doanh nghiệp liệu có còn hoạt động nữa hay không?”, ông Đực đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động Việt Nam lại cho rằng, quy định bắt buộc công khai thông tin dự án tại chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản đã có trong luật…

“Tại sao việc công khai thông tin dự án bất động sản lại chỉ bó hẹp ở các doanh nghiệp? Tại sao các đơn vị quản lý nhà nước, Sở Xây dựng các địa phương không công khai?”, ông Đính nói.

Bởi theo ông, thực tế khi người dân muốn tiếp cận các thông tin dự án chính thống từ Cổng thông tin của các Sở Xây dựng thì rất khó, vì thế cũng cần các cơ quan quản lý cùng thực hiện việc công khai này.

Liên quan đến đề xuất xử phạt doanh nghiệp không công khai hoặc công khai thông tin không đầy đủ của TP.HCM, ông Đính cho hay, việc xử phạt đều đã có quy định tại Nghị định số 139/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở…

Hơn nữa, ông Đính cho rằng, có thể xử phạt theo hình thức không cho thực hiện tiếp các dự án khác sẽ thực tế hơn là việc “đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đến 12 tháng”.

(Theo

Infonet

)