Đau đầu xử lý tài sản đảm bảo

Nhiều ngân hàng cho biết gặp khó khăn trong việc thu giữ tài sản đảm bảo là các bất động sản khi các cơ quan có thẩm quyền thông báo hủy, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho cá nhân, hộ gia đình.



Xu hướng xử lý nợ xấu có dấu hiệu chậm lại khiến nợ xấu tại một số nhà băng tăng được giới chuyên môn nhận định là do quá trình xử lý nợ xấu vẫn đang gặp những trở ngại, thậm chí có thêm những vướng mắc mới xuất hiện.


Dồn dập xử lý nợ


SCB đang thanh lý 20 chiếc ô tô loại 4-7 chỗ và xe chuyên dụng bằng hình thức đấu giá cho khách hàng cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu nhằm thu hồi nợ xấu. Tổng giá trị của 20 chiếc ô tô này là hơn 6 tỷ đồng. Các xe được thanh lý chủ yếu là hiệu Toyota, Hyundai, Mitsubishi… có năm sản xuất từ 2003-2009 với mức giá dao động từ 150- 400 triệu đồng/xe (đã bao gồm thuế VAT).


Ngày 22/11, VietinBank thông báo bán 4 khoản nợ xấu từ vài chục tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, VietinBank chi nhánh Kiến An (Hải Phòng) thông báo bán khoản nợ của công ty TNHH Hòn Ngọc với dư nợ hơn 27 tỷ đồng, tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là đất, xe ô tô. Chi nhánh Đồng Nai rao bán khoản nợ của CTCP Tân Mai Miền Đông với dư nợ hơn 1.200 tỷ đồng, là toàn bộ tài sản hình thành của Dự án đầu tư nhà máy sản xuất giấy, quyền thuê đất và tài sản bảo đảm và các cam kết khác của cổ đông. Chi nhánh này cũng rao bán khoản nợ của công ty Tân Mai Miền Trung với dư nợ hơn 4.300 tỷ đồng.


Mới đây, SHB cũng rao bán khoản nợ xấu của khách hàng Phạm Thị Tuyết Nhung tại Chi nhánh SHB Long An với dư nợ gốc và lãi gần 9 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở. Bà Phạm Thị Tuyết Nhung chính là Giám đốc CTCP Tư vấn đầu tư Angel Lina vừa bị Công an Tp.HCM bắt giam để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bà Nhung được xác định có liên quan đến việc “vẽ 9 dự án ma” ở nhiều quận, huyện trên địa bàn Tp.HCM để chiếm đoạt tiền của khách hàng.


Nhiều ngân hàng khác như Sacombank, MB, Agribank, BIDV… cũng liên tục thông báo đấu giá tài sản gồm hàng loạt lô bất động sản (BĐS), nhà đất, dự án từ chục tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng.


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 968.890 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các tổ chức tự xử lý là 629.200 tỷ đồng (chiếm 64,94% tổng nợ xấu xử lý), còn lại là bán nợ cho công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và tổ chức, cá nhân khác… Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8/2019 là 1,98%.


Tính trung bình từ 15/8/2017 – 31/8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.








Ngân hàng khó thanh lý nợ xấu là BĐS do cơ quan quản lý thu hồi sổ đỏ




Khó thanh lý BĐS “mất” sổ đỏ



Tuy nhiên, việc thanh lý tài sản nợ xấu chưa bao giờ dễ dàng với các nhà băng. Mới đây, NHNN cho biết đã nhận được phản ánh của một số TCTD về các cơ quan có thẩm quyền thông báo hủy/thu hồi giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất đã cấp cho cá nhân, hộ gia đình.


Trong đó, bao gồm GCN quyền sử dụng đất của tài sản bảo đảm đã được thế chấp cho khoản vay vì có vi phạm quy định tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, do cơ quan có thẩm quyền cấp không đúng quy định và một số lý do khác.


Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần, việc hủy/thu hồi GCN quyền sử dụng đất đang được sử dụng trong quan hệ thế chấp tại các TCTD đã ảnh hưởng đến quyền xử lý tài sản bảo đảm của TCTD khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn.


Lo ngại tình trạng nợ xấu tăng cao, NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các TCTD nghiên cứu các quy định pháp luật về đất đai có liên quan để đánh giá đầy đủ rủi ro khi nhận thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất để kịp thời bổ sung hoàn thiện các quy định nội bộ về cấp tín dụng cho khách hàng.


Đồng thời, NHNN yêu cầu các TCTD cần bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa rủi ro khi nhận thế chấp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, như bổ sung các thỏa thuận, cam kết của khách hàng về biện pháp bảo đảm thay thế trong trường hợp GCN quyền sử dụng đất bị hủy, thu hồi, trách nhiệm, nghĩa vụ của khách hàng thông báo cho TCTD khi phát sinh tình huống này hoặc các biện pháp phòng ngừa rủi ro cần thiết khác.


Đặc biệt, NHNN nhấn mạnh đến việc TCTD cần thường xuyên tham khảo thông tin về việc thu hồi đất do UBND cấp có thẩm quyền thông báo trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, cấp huyện để có biện pháp xử lý phù hợp.


Đối với các trường hợp cơ quan có thẩm quyền không thông báo đủ số ngày, hủy GCN quyền sử dụng đất để cấp mới cho người sử dụng đất với lý do bị mất trong khi GCN quyền sử dụng đất vẫn đang lưu giữ tại TCTD… thì TCTD cần kịp thời phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp.