Cư dân khu Cát Lái “khóc ròng” vì xe container

Khu vực Cát Lái (quận 2, TP.HCM) sở hữu lợi thế về vị trí nên thu hút nhiều dự án bất động sản. Tuy nhiên, hình ảnh phải len qua hàng dài những chiếc xe container mới về được nhà đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.

Cư dân khu Cát Lái “khóc ròng” vì xe container


T


ừ nhiều năm trước, khu Cát Lái (quận 2, TP.HCM) được các nhà đầu tư bất động sản cũng đổ về đây để phát triển dự án. Có thể kể đến những dự án đã và đang được triển khai tại khu vực này như Citiesto, CitiSiho, CitiHome, Phố Đông Villa, Water Suite, Vitsta Verder, khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi…



Theo quy hoạch, đây sẽ là một trong những khu đô thị mới với quy mô lên tới hơn 150 ha, sở hữu nhiều tiện ích như trung tâm hành chính, trường học, bệnh viện. Cụ thể, hệ thống trường học từ mẫu giáo đến trung học đã đi vào hoạt động, Trụ sở Tòa phúc thẩm TAND tối cao TP.HCM đã xây dựng xong, nút giao thông Mỹ Thủy cũng đã hoàn thành giai đoạn 1, và đưa vào sử dụng… Những yếu tố này đã thu hút được nhiều người dân về sinh sống.

Đặc biệt, thông tin cầu Cát Lái, nối quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) sắp được xây dựng cũng đang làm thị trường bất động sản tại đây thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cảnh tượng những đoàn xe tải, xe container chạy bạt mạng, bụi bay mù mịt, có những hôm bị tắc nghẽn kéo dài cả cây số… khiến việc đi lại gặp không ít khó khăn đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân sống tại đây, nhất là vào dịp cuối năm như hiện nay.

Anh Huy, một người dân sinh sống tại Cát Lái chia sẻ, người dân ở khu vực này vẫn hay nói vui là có chung một nỗi sợ. Đó là sợ về nhà và sợ ra ngoài. Mỗi khi muốn đi đâu hay về nhà đều phải bon chen qua những chiếc xe tải, xe container cỡ lớn chạy ầm ầm, bất chấp cả tín hiệu đèn giao thông để ra vào cảng Cát Lái.

“Chúng tôi sống ở đây hàng chục năm, đã quá quen với cảnh này nhưng vẫn luôn lo sợ mỗi khi bước ra đường. Hàng dài xe container nối đuôi nhau gầm rú bất kể ngày đêm”, anh Huy nói.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Châm, một cư dân của chung cư Citihome chia sẻ, nhiều khi đi làm về sớm nhưng không thể sang được đường vì bị đoàn xe container bịt kín.

Theo chị Châm, mặc dù chỉ cách nhau một con đường là về tới nhà, nhưng có những hôm chị phải đứng đợi hơn 30 phút mới đi được. Cứ xe này nối đuôi nhau xe kia, không để khoảng hở nào cho phương tiện khác sang đường. Nhiều người phải bất chấp nguy hiểm, len lỏi giữa dòng xe để đi.

“Ngày nào tôi cũng đi làm qua đây, nhiều khi về khuya mà đoạn đường vẫn còn kẹt cứng, không thể nhúc nhích nổi. Dù đèn tín hiệu tại lối vào có nhưng thường xuyên bị xe container lấn chiếm, tranh đường nên xe máy rẽ vào cực kỳ nguy hiểm”, chị Châm nói và cho biết thêm, chị đang rao bán lại căn hộ ở khu vực này để chuyển qua ở chỗ khác. Bởi không thể ngày nào đi làm về cũng phải “đánh đu” với tính mạng như hiện tại được.

Nói đến con đường về nhà đầy nỗi kinh hoàng này, anh Dũng than vãn, mỗi ngày khi đi làm vào buổi sáng và khi trở về nhà vào ban chiều phải đi qua khu vực này là một cực hình. Xe cộ ùn ứ, nhích từng chút một. Tiếng còi xe inh ỏi, bụi đường mù mịt, đứng cạnh những chiếc container to lớn khiến ai cũng phải rùng mình. Chưa hết, có trường hợp kẹt xe, nhiều phương tiện không tìm được lối thoát nên đã đi vào đường nội bộ của các khu dân cư quanh khu vực đó khiến người dân bức xúc vì đường xá xuống cấp, ồn ào.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, khu vực ra vào Cảng Cát lái từ lâu đã là một điểm nghẽn giao thông trầm trọng trên địa bàn thành phố. Dù đã có những giải pháp như nâng cấp hạ tầng, mở rộng đường, xây hầm chui… nhưng tình hình cũng chẳng khá hơn. Đặc biệt, vào những dịp lễ tết hay thời điểm cuối năm thì cảnh kẹt xe càng nghiêm trọng. Nguyên do bởi cảng Cát Lái có lưu lượng hàng hóa chiếm trên 92% thị phần container xuất nhập khẩu của TPHCM. Mỗi ngày có trên 15.000 container qua cảng, tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10%/năm.

Do đó, những cung đường kết nối với cảng Cát Lái như Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công và Đồng Văn Cống luôn trong tình trạng ùn ứ, kẹt xe kéo dài. Đặc biệt, đường Đồng Văn Cống kết nối trực tiếp với cảng Cát Lái phải “oằn” mình chống chịu với dòng xe cộ tấp nập ngày đêm. Đây cũng là tuyến đường chính để đi về phà Cát Lái qua Nhơn Trạch kết nối Bà Rịa – Vũng Tàu nên lưu lượng xe càng dày đặc.