Công khai lấy ý kiến Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng

Việc thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.

Đối với quan điểm thực hiện Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung UBND TP. Đà Nẵng vừa có công văn thống nhất về việc lấy ý kiến góp ý lần cuối về Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 sẽ thực hiện trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và định hướng chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021 – 2030. Cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Đảm bảo phát huy được vai trò, vị thế và tiềm năng của TP. Đà Nẵng là cửa ngõ giao thương quốc tế, là trung tâm kinh tế hàng đầu của quốc gia và khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đảm bảo phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn TP. Đà Nẵng, phù hợp với khả năng cân đối, huy động các nguồn lực triển khai thực hiện.

Việc thực hiện đồ án điều chỉnh lần này sẽ loại bỏ các quy hoạch chồng chéo ảnh hưởng đến đầu tư phát triển. Xây dựng kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, bố trí hợp lý không gian nhằm giải quyết các vấn đề xung đột về không gian trong địa bàn Thành phố hiện nay và định hướng không gian cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hợp lý các tiềm năng, lợi thế bên trong và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài.

Theo dự thảo đồ nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung của TP. Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 sẽ xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.

Định hướng phát triển đến năm 2025, dân số của Đà Nẵng dự kiến đạt khoảng 1,35 triệu người. Tổng số đất xây dựng đô thị sẽ là 27.846ha, bao gồm 13.792ha đất dân dụng và 14.054ha đất ngoài dân dụng. Về quy hoạch khu vực trung tâm đô thị bao gồm các khu đô thị chỉnh trang và phát triển hỗn hợp, tập trung chủ yếu ở 6 quận nội thành gồm: Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, một phần tại các điểm dân cư thuộc các xã Hòa Tiến, Hòa Châu. Khu đô thị tập trung mật độ cao chủ yếu tại 2 quận Hải Châu, Thanh Khê.

Trong đó quy mô cấu trúc phát triển đô thị được xác định theo mục tiêu chiến lược bao gồm bảo tồn thiên nhiên, tăng cường mạng lưới cây xanh và mặt nước để tạo ra một Thành phố thân thiện môi trường, cải thiện cơ sở hạ tầng để cải thiện khả năng phục hồi của TP. Đà Nẵng. Gia tăng mật độ dân số để phát triển mô hình đô thị nén. Phát triển các loại hình cơ sở hạ tầng và nhà ở xã hội để tạo ra một Thành phố dành cho tất cả mọi người… Đối với phân vùng phát triển đô thị có vùng ven mặt, có vùng lõi xanh nằm giữa Thành phố được đặc trưng hóa bởi những ngọn đồi, cây xanh.

Quy hoạch định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội với mục tiêu biến đổi Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng bền vững thông qua thiết lập một môi trường kinh tế độc đáo và mang tầm quốc tế.

Về quy hoạch hệ thống trung tâm đô thị gắn với trung tâm Thành phố là khu vực hành chính và thương mại cốt lõi của Đà Nẵng, bao gồm trung tâm hành chính, bảo tàng sống, khu trung tâm thương mại mới và phố tài chính mới.

Về định hướng phát triển không gian toàn đô thị đến năm 2030, Thành phố sẽ tập trung cải tạo, chỉnh trang các khu vực đô thị hiện tại để tối ưu hóa việc sử dụng đất. Định hướng hạ tầng kỹ thuật đô thị đến năm 2030, cần tập trung các vấn đề đất tại vành đai sân bay và xung quanh sẽ được quy hoạch và bảo vệ để mở rộng trong tương lai.

Về hệ thống giao thông vận tải, tiếp tục nâng cấp, phát triển Sân bay quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách/năm đến năm 2030. Về đường sắt, đến năm 2030, Thành phố xây dựng tuyến đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao chạy song song bên cạnh về phía đông đường cao tốc Bắc – Nam. Mạng lưới giao thông đường thủy phục vụ nhu cầu du lịch nhằm khai thác cảnh quan sông nước. Đường bộ tập trung phân cấp đường nhằm phân biệt vai trò và chức năng cho từng loại đường để quy định tốc độ và việc tham gia giao thông.

Bên cạnh đó quy hoạch hệ thống giao thông công cộng, mạng lưới xe buýt. Quy hoạch hạ tầng cấp điện, cấp nước, thoát nước… Bên cạnh đó cũng đề cập đến quy hoạch xây dựng phát triển đô thị theo nhiều giai đoạn, cùng các chương trình dự án đầu tư ưu tiên.