Còn tồn gần 1.300 xe hàng xuất sang Trung Quốc

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu giáp với Trung Quốc hiện đã diễn ra bình thường. Tuy nhiên, tốc độ còn chậm do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch.

Những ngày gần đây, tại Lạng Sơn còn khoảng hơn 1.000 xe hàng, chủ yếu là các loại trái cây, nông sản chờ xuất khẩu. Tại Quảng Ninh, cửa khẩu Móng Cái thông quan trong nửa đầu tháng 3 là 169 container hoa quả (3.524 tấn), 290 container bột sắn (10.046 tấn), 165 container thủy hải sản tươi sống (1.586 tấn) và không có hoa quả tồn qua ngày.

Con ton gan 1.300 xe hang xuat sang Trung Quoc hinh anh 1 1_thong_quan_cua_khau_Tan_Thanh_zing23.jpg

Tốc độ thông quan hàng hóa còn chậm do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Ảnh:

Việt Hùng.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết tính đến ngày 22/3, còn gần 1.300 xe hàng tồn tại các cửa khẩu biên giới, trong đó giáp Trung Quốc là 1.257 xe.

Lũy kế từ đầu dịch Covid-19 (tháng 2) đến nay, đã có 27.738 xe xuất khẩu và 23.979 xe nhập khẩu tại các tỉnh giáp Trung Quốc.

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, không để ứ đọng ̣hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc; hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản, phát triển thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ, kinh doanh thực phẩm, hàng nông sản.

Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về thương mại, quản lý thị trường, lưu thông, cung ứng hàng hóa; kiên quyết xử lý các hành vị trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và tiêu dùng; hướng dẫn các địa phương cân đối cung cầu hàng hóa, tránh đưa hàng hóa nhiều lên các tỉnh biên giới tạo ùn tắc, ứ đọng hàng hóa.

Đối với tiêu thụ trong nước, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT chuẩn bị đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa, kích cầu tiêu dùng trong nước trước các vụ thu hoạch rau, củ, quả; vận động mạnh mẽ phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; hỗ trợ phân phối sản phẩm trên thị trường online, đẩy mạnh dịch vụ nhận hàng mua, bán sản phẩm và lưu thông sản phẩm với chi phí tối thiểu.