“Chuyển hóa” đất công tại dự án vàng TP.HCM – bài 1: Đất công thành… “đất ông”

Với hơn 17.000 m2 đất “kim cương” tại quận 1 – trung tâm TP.HCM, Dự án 1Bis-1Kép nguyên gốc là đất công, do doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện, nay đã thuộc quyền của công ty tư nhân, sau hành trình “chuyển hóa” khéo léo của chính quyền TP.HCM giai đoạn 2013 – 2015.

“Chuyển hóa” đất công tại dự án vàng TP.HCM - bài 1: Đất công thành… “đất ông”


Khu đất “vàng” 1Bis-1Kép (Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP.HCM) được quây tôn kín.

Sau 25 năm từ khi có quy hoạch, Dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”, trong khi đó, cơ quan chức năng đang tham mưu để UBND TP.HCM báo cáo, xin phép Thủ tướng Chính phủ về chuyện… đã rồi.

Ở bài viết này, chúng tôi chỉ cung cấp thông tin, không nhận định đúng – sai, bởi kết luận dành cho cơ quan chức năng (Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh, kiểm tra Dự án). Hiện dự án “vàng” nguyên gốc 100% đất công được Thủ tướng giao cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện, đã thuộc quyền quyết định của Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thủy khi Bến Thành Group chỉ còn chiếm 28% vốn.


Từ dự án mang tính nhân văn

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có báo cáo tham mưu UBND TP.HCM  về khu “đất vàng” gần 1,8 ha – Dự án 1Bis-1Kép (Nguyễn Đình Chiểu quận 1, TP.HCM).

Báo cáo của cơ quan chức năng kết hợp hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được cho thấy, năm 1994, UBND TP.HCM xác lập quyền sở hữu nhà của Nhà nước đối với 164 căn hộ tại địa chỉ 1Bis-1Kép Nguyễn Đình Chiểu từ nhà công sản chế độ cũ.

Ngày 30/9/1995, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 624/QĐ-TTg phê duyệt dự án đầu tư khu nhà ở 1Bis-1Kép với mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở và làm việc để nâng cấp nhà ở tại chỗ giải tỏa nhà lụp xụp trên và ven kênh Nhiêu Lộc, kinh doanh nhà ở cao cấp và văn phòng làm việc, từng bước chỉnh trang đô thị tại khu vực.

Đến ngày 30/7/1996, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 490/QĐ-TTg thu hồi 16.802 m2 của khu I và 1.495 m2 của khu II tại địa chỉ 1Bis-1Kép, giao cho Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà quận 1 (doanh nghiệp nhà nước) đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ việc di chuyển dân trên kênh Nhiêu Lộc, khu nhà ở cho người tái định cư, khu nhà ở và khu căn hộ cao cấp kinh doanh, khu văn phòng cho thuê.

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, chủ đầu tư sẽ xây dựng 365 căn chung cư, 38 căn nhà phố liền kề, 112 căn nhà ở cao cấp. Dự kiến tổng mức đầu tư là 256 tỷ đồng, chủ đầu tư huy động vốn và sử dụng các nguồn tài trợ hợp pháp khác.

Sau đó, Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà Quận 1 sáp nhập Tổng công ty Bến Thành (Bến Thành Group).

Tới tháng 1/2004, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 280/CP-CN cho phép điều chỉnh Dự án 1Bis-1Kép Nguyễn Đình Chiểu.

Trên cơ sở đó, tháng 4/2004, ông Nguyễn Văn Đua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký Quyết định số 1576/QĐ-UB điều chỉnh Dự án 1Bis-1Kép Nguyễn Đình Chiểu. Theo đó, Dự án có tổng số 816 căn hộ, chiều cao tối đa 22 tầng, tổng mức đầu tư ước tính 881 tỷ đồng.

Tới thời điểm này, theo điều chỉnh của Thủ tướng và quyết định của UBND TP.HCM, Dự án vẫn đảm bảo mục tiêu kinh doanh và cả tái định cư. Thậm chí, Quyết định số 1576/QĐ-UB của UBND TP.HCM còn quy định chi tiết, thể hiện mục tiêu dự án đất công của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước: “Quy mô công trình gồm 1 khối văn phòng và 4 khu chung cư cao tầng để kinh doanh, tái bố trí dân cư trong khu vực quy hoạch xây dựng và tái định cư 200 hộ thuộc Dự án Đông – Tây”.


Đổi “vai”

Báo cáo số 898 ngày 12/2/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND TP.HCM thể hiện, ngay sau khi UBND TP.HCM có quyết định điều chỉnh dự án, ngày 25/9/2006, Hội đồng Quản trị Bến Thành Group ban hành Nghị quyết số 39/NQ-HĐQT, cho phép Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà quận 1 (đã sáp nhập) hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư Sao Thủy (gọi tắt là Công ty Sao Thủy) thực hiện Dự án 1Bis-1Kép.

Tháng 7/2013, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Bến Thành (được đổi tên từ Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà quận 1) liên doanh với Công ty Sao Thủy thành lập Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thủy (gọi tắt là Công ty Bến Thành – Sao Thủy; có địa chỉ tại 65 – Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) để thực hiện Dự án 1Bis-1Kép.

Đến tháng 10/2014, UBND TP.HCM ban hành quyết định chấp thuận chủ đầu tư Dự án 1Bis-1Kép là Công ty Bến Thành – Sao Thủy.

Ngày 22/5/2015, từ tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Hữu Tín, lúc này đang là Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký Quyết định số 2403/QĐ-UBND về thu hồi đất do Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Bến Thành quản lý sử dụng để giao Công ty Bến Thành – Sao Thủy làm dự án nhà ở cao tầng, khách sạn thương mại dịch vụ tại 1Bis-1Kép Nguyễn Đình Chiểu.

Cụ thể, tổng diện tích đất là 17.794 m2, mục đích của Dự án là xây dựng khu nhà ở cao tầng và khách sạn thương mại dịch vụ, hình thức sử dụng đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Tháng 2/2018, từ đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 472/QĐ-UBND điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất lần thứ 2, bố trí 2.570 m2 thuộc Dự án để xây dựng khách sạn; 15.224 m2 diện tích để xây dựng khu nhà ở cao tầng và thương mại dịch vụ.

Với diện tích 15.224 m2 trong tổng 17.794 m2 đất tại Dự án 1 Bis-1Kép, chủ đầu tư đã hình thành Dự án mang tên Spring Light City. Theo quảng cáo trên nhiều sàn giao dịch bất động sản, quy mô Spring Light City gồm: khối khách sạn và căn hộ dịch vụ cao 32 tầng (không kể các tầng hầm, kỹ thuật, mái, thang máy…); khối nhà căn hộ kinh doanh cao 34 tầng (chưa kể hầm); khối nhà tái định cư 34 tầng. Trong đó, các khối nhà có chung hầm được mở rộng gần hết khu đất, tổng diện tích khoảng 37.000 m2.

Báo cáo tài chính năm 2019 của Bến Thành Group thể hiện, Bến Thành Group sở hữu 28% vốn đầu tư tại Công ty Bến Thành – Sao Thủy.

Như vậy, các quyết định trong giai đoạn này của UBND TP.HCM đã thay đổi chủ đầu tư Dự án 1Bis-1Kép từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang liên doanh Bến Thành – Sao Thủy. Hơn thế, do doanh nghiệp tư nhân chiếm vốn lớn hơn, quyền quyết định “số phận” Dự án 1Bis-1Kép đã được chuyển từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang tư nhân.

Các quyết định nêu trên của UBND TP.HCM cũng thay đổi cơ cấu sử dụng đất của Dự án so với cơ cấu đã được phê duyệt tại Quyết định 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tất cả những thay đổi này đều do UBND TP.HCM tự quyết, không có văn bản nào chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.


Gần 25 năm vẫn “giậm chân tại chỗ”

Sau gần 25 năm từ khi Thủ tướng ký Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 30/7/1996 thu hồi đất giao cho Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà quận 1 thực hiện, đến nay, tại khu đất này vẫn chưa có cao ốc văn phòng hay chung cư nào được xây dựng. Khu đất được quây tôn kín mít, bỏ hoang, bên trong, máy móc thi công nằm phơi sương đã nhiều năm.


Thanh, kiểm tra 3 dự án nhà ở tại TP.HCM trong năm 2020





Ngày 18/2/2020, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ký Quyết định số 31/QĐ-TCQLĐ về việc ban hành kế hoạch chi tiết thực hiện kiểm tra năm 2020.




Theo đó, trong kế hoạch thanh tra về việc thi hành pháp luật đất đai tại một số tỉnh, thành phố, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ thanh, kiểm tra 3 dự án nhà ở tại TP.HCM gồm: Khu nhà ở 1 Bis-1Kép Nguyễn Đình Chiểu tại phường Đa Kao (quận 1) của Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thủy;




Dự án Khu nhà ở xã hội – Khu nhà ở thương mại Vạn Gia Phúc tại phường 10 (quận 6) của Công ty TNHH Quản lý bất động sản Hoàng Phúc; Dự án Khu dân cư và du lịch, văn hóa, giải trí tại phường An Phú (quận 2) của Công ty TNHH Quốc tế thế kỷ số 21.    

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, tháng 2/2020, Công ty Bến Thành – Sao Thủy có Văn bản số 01/CV-BTST-2020 thể hiện, tới thời điểm này, Bến Thành – Sao Thủy chỉ mới hoàn thành vách 4 tầng hầm, ngoài việc hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng và nộp tiền sử dụng đất. Theo kết quả kiểm toán của Công ty Kiểm toán quốc tế E&Y, tính tới ngày 31/12/2018, tổng chi phí đầu tư vào Dự án của Công ty Bến Thành – Sao Thủy là hơn 2.000 tỷ đồng.

Hiện Dự án bị dừng lại do khiếu nại, tố cáo liên quan công tác bồi thường và thanh tra toàn diện.

Liên quan vấn đề khiếu nại của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, theo Thông báo số 869/TP-VP ngày 29/11/2019 của Văn phòng UBND TP.HCM thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM, UBND Thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư hỗ trợ các hộ dân khiếu nại số tiền chênh lệch giá đất ở và giá đất thu hồi theo Quyết định 124/2005 của UBND TP.HCM với tổng số tiền trên 42 tỷ đồng cùng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn từ năm 2012 đến nay (hơn 2,3 tỷ đồng), song người dân không đồng ý và muốn tính theo lãi suất có kỳ hạn.

Tuy nhiên, một số người dân trong diện thu hồi đất cho biết, vấn đề khiếu nại của họ không phải chuyện lãi suất. Do Dự án chuyển mục đích kinh doanh thương mại, nên theo quy định pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư phải tự thương lượng với người dân, nhưng trên thực tế, việc này không được tiến hành.

Được biết, Dự án 1Bis-1Kép khiến 227 hộ phải di dời và hiện vẫn còn 122 hộ đang khiếu nại. Trong quá trình triển khai, nhiều lần, UBND TP.HCM điều chỉnh đơn giá hỗ trợ, bồi thường, từ 200.000 đồng/m2 đến 48 triệu đồng/m2.



(Còn tiếp)