Chủ tịch Hà Nội lý giải vì sao không thể “nắn” ga C9 đường sắt đô thị

UBND TP. Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng quá trình nghiên cứu, thiết kế quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án thi công ga ngầm C9 (ga hồ Hoàn Kiếm) thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.


Ga C9 phát huy tối đa di tích bên hồ Hoàn Kiếm

Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được kết nối với tuyến số 1 tại ga C8 (Hàng Đậu) và kết nối với tuyến số 3 tại ga C10 (Trần Hưng Đạo). Khoảng cách giữa ga C8 và C10 là 2,4km, nên theo UBND TP. Hà Nội ga ngầm C9 ở giữa là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chạy tàu và nhu cầu tiếp cận hành khách khu vực trung tâm, đảm bảo an toàn vận hành khai thác theo tiêu chuẩn của đường sắt đô thị.

Hà Nội khẳng định vị trí đặt ga ngầm C9 hiện nay là phương án tối ưu

UBND TP. Hà Nội cho biết, ga ngầm C9 gắn liền với hướng tuyến nêu trên về cơ bản đã được phê duyệt từ năm 2008. Trong giai đoạn triển khai quy hoạch chi tiết, đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, xem xét 7 phương án khác nhau, sau đó mới lựa chọn phương án đặt ga C9 như hiện nay.

“Vị trí ga C9 đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vào vườn hoa phía bờ hồ Hoàn Kiếm (phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội) là phương án có nhiều ưu điểm hơn các phương án khác”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định.

Trong báo cáo UBND TP. Hà Nội cũng khẳng định tổng mặt bằng ga C9 và tuyến hầm có phần nằm trong khu vực bảo vệ cấp hai nhưng dưới mặt đất và hoàn toàn nằm ngoài, không xâm phạm khu vực bảo vệ cấp một ở hồ Hoàn Kiếm.

“Việc thiết kế ga ngầm tại vị trí này không ảnh hưởng đến không gian khu vực, mà còn tập trung khách tham quan, góp phần phát huy tối đa giá trị của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho hay.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, các yếu tố có thể gây ra các nguy cơ tiềm ẩn tác động tiêu cực đến di sản đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đề ra các biện pháp phòng ngừa với hệ số an toàn cao, giảm thiểu đầy đủ độ lún nền móng của Tháp Bút, đền Bà Kiệu…


Đề nghị điều chỉnh vị trí đặt ga C9 là không khả thi

Trong quá trình quy hoạch, UBND TP. Hà Nội nhận được ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch với đề nghị tịnh tiến thân ga C9 về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng. Một số chuyên gia cũng đề nghị Hà Nội nghiên cứu phương án bố trí ga tại các vị trí của Tổng Công ty Điện lực, Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, Nhà hát Lớn… Cũng có ý kiến nên bố trí tuyến và ga chạy dọc đê sông Hồng.

Tiếp thu các ý kiến trên, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn và chủ đầu tư rà soát từng phương án cụ thể. Kết quả cho thấy các phương án này đều được đơn vị tư vấn nghiên cứu và đánh giá không khả thi vì ga ngầm C9 liên quan chặt chẽ với hướng tuyến hầm 2 đầu ga (C8 và C10) và phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn chạy tàu.

TP. Hà Nội cân nhắc nhiều phương án khác nhau để lựa chọn vị trí đặt ga ngầm C9 như hiện nay (PA1).

Ngoài ra, các phương án trên còn khiến tuyến đường hầm phải xuyên qua các khu vực dân cư có nhiều nhà cao tầng với móng cọc sâu, giải phóng mặt bằng nhiều nhà dân và cơ quan để xây dựng ga.

Theo UBND TP. Hà Nội việc giải phóng mặt bằng các tòa nhà cao tầng móng cọc sâu khi thi công hầm mất rất nhiều tiền để bồi thường đất đai, phá dỡ các tòa nhà, rút các cọc móng sâu.

TP. Hà Nội cũng làm rõ vấn đề được một số đại biểu Quốc hội đặt ra trong việc quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 đối với khu vực trung tâm Thủ đô, di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. UBND TP. Hà Nội khẳng định vị trí đặt ga C9 là phương án tối ưu, đảm bảo hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng thấp nhất đến di tích hồ Hoàn Kiếm và khu dân cư phố cổ…

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố môi trường, cảnh quan di tích, khu vực phố cổ, đảm bảo an toàn kỹ thuật và hiệu quả kinh tế khi khai thác, UBND TP. Hà Nội khẳng định vị trí ga C9, cũng như hướng tuyến đường sắt đô thị như đề xuất là phương án tối ưu.