Chính quyền điện tử Quảng Ninh: Thủ tục minh bạch, bộ máy trơn tru, người dân đồng tình

Chính quyền điện tử Quảng Ninh: Thủ tục minh bạch, bộ máy trơn tru, người dân đồng tình - 1

Đối mặt với khó khăn và nỗ lực vượt qua, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về việc ứng dụng công nghệ thông tin và xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố về chỉ số ICT Index… (ảnh báo QN)


Vượt khó và không ngừng hoàn thiện

Không chỉ nỗ lực để từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu, tỉnh Quảng Ninh còn xác định, để xây dựng thành công chính quyền điện tử cần phải xây dựng và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), ứng dụng rộng rãi CNTT…

Theo thống kê của tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn I của Đề án hạ tầng cốt lõi của CQĐT cơ bản đã hoàn thành theo mô hình tập trung, thuận lợi trong quản lý, vận hành: Trung tâm tích hợp dữ liệu, mạng diện rộng kết nối thống nhất các sở ngành, địa phương, 15 Trung tâm Hành chính công (HCC), mô hình một cửa hiện đại cấp xã…

Hiện đã có hơn 600 đơn vị hành chính của tỉnh tham gia ứng dụng CQĐT và với hiệu quả bước đầu, mô hình CQĐT ở Quảng Ninh được coi là nền tảng để đánh giá xây dựng mô hình CQĐT quốc gia.

Theo một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, việc các hệ thống thuộc Chính quyền điện tử được triển khai trong toàn tỉnh đã tạo ra môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp. Ước tính tiết kiệm chi phí hành chính trên 10 tỷ đồng, tiết kiệm chi phí xã hội trên 80 tỷ đồng …

Chính quyền điện tử Quảng Ninh: Thủ tục minh bạch, bộ máy trơn tru, người dân đồng tình - 2

Xử lý công việc trên hệ thống mạng chính quyền điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại phủ sóng tới cấp xã (ảnh Báo QN)

Hiện nay, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về việc ứng dụng công nghệ thông tin và xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số ICT Index, chỉ số PAPI của tỉnh qua các năm đều được nâng cao.

Chính quyền điện tử Quảng Ninh: Thủ tục minh bạch, bộ máy trơn tru, người dân đồng tình - 3

Trung tâm HCC qui mô lớn, hiện đại được thiết kế 1 tầng hầm, 5 tầng nổi trên tổng diện tích mặt sàn rộng 7.650m2 (ảnh: báo Quảng Ninh)

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đến nay về hạ tầng CNTT đã liên thông, đồng bộ từ tỉnh xuống đến huyện, xã; phần mềm cũng đã ổn và chỉ cần kết nối với Chính phủ là hoàn thiện. Về phía Chính phủ thì năm 2020 sẽ nối được đến huyện sau đó nối đến xã là trực tuyến từ chính phủ đến xã luôn và như vậy sẽ có một trung tâm kết hợp dữ liệu hiện đại thuộc top đầu của cả nước”.


Đột phá và kỳ vọng

Không chỉ nỗ lực hoàn thiện hạ tầng CNTT, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục triển khai xây dựng Đề án Chính quyền điện tử giai đoạn II trên cơ sở phát huy hiệu quả, kết quả của Giai đoạn I với mục tiêu tập trung xây dựng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại xã phường, đảm bảo phục vụ người dân, doanh nghiệp; kết nối liên thông với Trung tâm Hành chính công (HCC) cấp huyện và tỉnh để thực hiện hiệu quả việc giải quyết thống nhất, đồng bộ.

Chính quyền điện tử Quảng Ninh: Thủ tục minh bạch, bộ máy trơn tru, người dân đồng tình - 4

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công. Sau 4 năm hoạt động, Trung tâm được các tổ chức, công dân đồng tình, ủng hộ

Đến nay, đã có 186 xã, phường có một cửa rất bài bản, có tới hơn 800 bộ máy tính, 200 bộ máy in được tỉnh đầu tư tại 118 xã, bảo đảm mỗi cán bộ, công chức cơ bản có đủ trang thiết bị phục vụ làm việc, khai thác CQĐT… Đặc biệt, Trung tâm HCC của tỉnh hiện được đánh giá là hiện đại nhất cả nước với qui mô 5 tầng, với diện tích hơn 1.000 m2.

Chính quyền điện tử Quảng Ninh: Thủ tục minh bạch, bộ máy trơn tru, người dân đồng tình - 5

Tỉnh Quảng Ninh khai trương Trung tâm Điều hành đô thị thông minh. (ảnh báo QN)

Theo tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính, cho phép người dân tham gia giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, giúp giảm tới 40% thời gian và giảm số lần phải đi lại giao dịch của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.

Đánh giá về vấn đề này ông Đặng Huy Hậu cho rằng: “Việc thực hiện CQĐT còn giải quyết được rất nhiều vấn đề khác liên quan đến thủ tục hành chính. Hiện không còn tình trạng tranh cãi nhận hay không nhận được văn bản hay giấy mời, giải quyết được mọi vấn đề kịp thời, minh bạch…”.

Chính quyền điện tử Quảng Ninh: Thủ tục minh bạch, bộ máy trơn tru, người dân đồng tình - 6

TTĐH Đô thị Thông minh được đánh giá là hiện đại và có quy mô tích hợp đồng bộ nhất hiện nay tại Việt Nam (ảnh báo QN)

Cũng theo ông Đặng Huy Hậu, việc thực hiện tốt chính quyền điện tử cũng chính là nền tảng vững chức để quyết định xây dựng thành phố thông minh và chính quyền số. “Hiện nay mô hình thành phố thông minh được bắt đầu triển khai ở TP. Hạ Long với một số lĩnh vực rất cơ bản như: du lịch, giao thông, an ninh, xây dựng, môi trường, y tế, giáo dục…. Sau đó dựa trên cơ sở thành công mới chuyển đổi hệ thống quản lý nhà nước qua số…”, ông Hậu nói.

Ông Hậu cho biết thêm, theo lộ trình cuối tháng 11, Trung tâm vận hành mô hình này sẽ đi vào hoạt động. Khi đó chỉ cần ngồi ở trung tâm là có thể nắm được số liệu liên quan đến tất cả các lĩnh vực mình quan tâm. Ngay cả các trung tâm hành chính công cũng đều có thể kiểm soát được hết.

Chính quyền điện tử Quảng Ninh: Thủ tục minh bạch, bộ máy trơn tru, người dân đồng tình - 7

Theo ông Đặng Huy Hậu, việc thực hiện tốt chính quyền điện tử cũng chính là nền tảng vững chức để quyết định nâng lên một bước tiến hành xây dựng thành phố thông minh và chính quyền số.

Còn theo một lãnh đạo Quảng Ninh khác: “Việc vận hành CQĐT, chính quyền số ở Quảng Ninh tương đối ổn, cải cách thủ tục hành chính rất mạnh, tính minh bạch cao, bộ máy hoạt động không còn trục trặc như trước, người dân cũng đồng tình nhiều. Có thể nói, việc thực hiện chính quyền điện tử bước đầu đã thành công và chúng tôi kỳ vọng thời gian hoàn thành sẽ sớm hơn so với kế hoạch đề ra”.


An Nhiên