Chất lượng không khí Hà Nội và đô thị miền Bắc đang xấu đi

Trong tuần từ ngày 01- 05/03, chất lượng không khí tại Hà Nội và các đô thị đều có chất lượng khá tốt. Tuy nhiên, kết quả quan trắc trong ngày 06/03 cho thấy, chất lượng không khí tại Hà Nội và một số đô thị miền Bắc lại có dấu hiệu xấu đi, giá trị thông số PM2.5 trong ngày 06/3 tăng cao đáng kể so với những ngày trước đó trong tuần.


Chất lượng không khí tại một số thành phố

Trong tuần đầu tiên của tháng 3 năm 2020, giá trị thông số PM2.5 trung bình 24 giờ tại các đô thị đều nằm trong giới của QCVN 05:2013 BTNMT. So sánh giữa các thành phố thì thủ đô Hà Nội vẫn là khu vực có giá trị PM2.5 cao nhất. Tuy nhiên trong các ngày từ 03/3 đến 05/3 giá trị thông số PM2.5 trung bình 24 giờ trung bình các trạm tại Hà Nội vẫn thấp hơn 2.5 lần so với giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (biểu đồ 1).

Biểu đồ 1: Diễn biến giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 tại một số thành phố

Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày cho thấy, tại Hà Nội chất lượng không khí ở mức trung bình (AQI từ 51 – 100) trong ngày 01/3 và 02/3, ở mức tốt trong các ngày từ 03/3 đến 05/3. Các đô thị khác chất lượng không khí đều duy trì ở mức tốt (AQI ≤ 50) (biểu đồ 2).

Biểu đồ 2: Diễn biến chỉ số AQI tại một số thành phố


Chất lượng không khí tại Hà Nội

Tại Hà Nội, số liệu của các trạm cho thấy trong 02 ngày 01- 02/3, có 2/13 trạm có giá trị thông số PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn so với QCVN 1,1 lần. Từ ngày 03/3 đến 05/3 giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ tại tất cả các trạm đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (biểu đồ 3).

Biểu đồ 3: Diễn biến giá trị TB 24 giờ thông số PM2.5 tại Hà Nội

Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm cũng cho thấy, trong các ngày từ 03/3 đến 05/3 chất lượng không khí ở mức tốt tại đa số các trạm (biểu đồ 4).

Sang đến ngày 06/3, thời tiết thủ đô có diễn biến mới, tình trạng mưa dứt hẳn, xuất hiện sương mù vào sáng sớm, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch khá cao, cùng với đó giá trị trung bình 1 giờ của thông số PM2.5 tại Hà Nội cũng tăng cao so với những ngày trước đó (biểu đồ 5). Chỉ số AQI trong ngày 06/3 ở đa số các trạm duy trì ở mức xấu và mức kém (biểu đồ 5 và biểu đồ 6).

Biểu đồ 5: Diễn của PM2.5 trung bình 1 giờ các trạm tại Hà Nội từ 01/3 đến 06/3
Biểu đồ 6: Diễn của AQI giờ các trạm tại Hà Nội từ 01/3 đến 06/3


Kết luận

Theo Theo Tổng cục Môi trường, có thể nhận thấy, trong 2 tháng đầu năm 2020, môi trường không khí tại một số đô thị lớn ở nước ta vẫn tiếp tục bị ô nhiễm bởi thông số bụi mịn PM2.5, trong đó, thủ đô Hà Nội vẫn tiếp tục là đô thị có giá trị thông số bụi PM2.5 cao nhất. 

Hà Nội và một số đô thị khác ở miền Bắc nước ta vẫn đang trong thời gian ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 là cao nhất trong năm (từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau). 

Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, do hoạt động giao thông giảm mạnh, các hoạt động công nghiệp, xây dựng cũng hầu như dừng, nên chất lượng không khí được đánh giá ở mức tốt. 

Trong khoảng thời gian giữa tháng 2 (từ ngày 18 – 24/2), chất lượng không khí bị suy giảm mạnh, có những ngày được đánh giá ở mức rất xấu. 

Tuy nhiên đến cuối tháng 2 chất lượng không khí đã được cải thiện khá rõ. Trong tháng 3 và các tháng tới, theo quy luật hàng năm, chất lượng không khí có thể được cải thiện hơn so với các tháng đầu năm.

Trong tuần đầu tiên của tháng 3 (từ ngày 01/3 đến 05/3), chất lượng không khí tại Hà Nội và các đô thị khác trên cả ba miền cơ bản đều ở mức khá tốt, hàm lượng bụi mịn PM2.5 nằm trong giới hạn cho phép của QCVN. 

Tuy nhiên bắt đầu từ ngày 06/3 hàm lượng PM2.5 tại Hà Nội đang có xu hướng tăng lên. Với điều khí tượng những ngày tới không còn mưa, có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, kéo theo tình trạng sương mù vào sáng sớm, có thể sẽ khiến giá trị thông số PM2.5 tại thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì ở mức khá cao, chất lượng không khí sẽ không còn ở mức tốt như những ngày trước./.