Các tỉ phú toàn cầu lần đầu ‘nghèo’ đi kể từ năm 2015

Báo cáo Billionaires cho biết tổng tài sản của các tỉ phú thế giới đã giảm đi 388 tỉ USD trong năm 2018, ghi nhận sự sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2015 do bất ổn chính trị và thị trường chứng khoán hay thay đổi.

Các tỉ phú toàn cầu lần đầu nghèo đi kể từ năm 2015 - Ảnh 1.

Khách tham quan xuất hiện tại triển lãm siêu du thuyền Monaco (Monaco Yacht), một trong những triển lãm du thuyền nổi tiếng nhất trên thế giới, với hàng trăm du thuyền sang trọng và hàng trăm công ty hàng đầu tham dự, ở cảng Monaco hồi tháng 9-2017 – Ảnh: REUTERS


Ngày 8-11, Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ và Công ty kiểm toán PwC của Anh đã cùng công bố báo cáo Billionaires (Các tỉ phú), cho thấy tổng khối tài sản của các tỉ phú trên thế giới đã giảm đi 388 tỉ USD, xuống còn 8.539 ngàn tỉ USD trong năm 2018. 


Ban đầu, Hãng tin Reuters cho biết đây là lần đầu tiên 


tổng giá trị tài sản của các tỉ phú trên toàn cầu bị “bốc hơi” trong vòng 1 thập niên qua. Tuy nhiên, Reuters sau đó đăng tin cải chính cho biết đ


ây là sự sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2015.

Trong đó, báo cáo ghi nhận sự giảm mạnh trong khối tài sản của các tỉ phú người Trung Quốc – quốc gia có số tỉ phú lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Hàng chục người Trung Quốc cũng bị loại khỏi danh sách tỉ phú thế giới.

Cụ thể, tổng giá trị tài sản ròng (tổng tài sản đã trừ đi các khoản nợ) của các tỉ phú người Trung Quốc đã giảm 12,8%, sau khi thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh cùng với sự suy yếu của đồng nội tệ và tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2018 giảm tốc, xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm qua.

Dù vậy, ông Josef Stadler – trưởng bộ phận phụ trách khách hàng siêu giàu tại UBS – cho biết trong báo cáo rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục sản sinh nhiều tỉ phú mới với tốc độ một tỉ phú mới/2 – 2,5 ngày.

Trong khi số tỉ phú giảm đi khắp nơi trên thế giới, tình trạng này lại không diễn ra ở Mỹ – nơi các doanh nhân công nghệ tiếp tục duy trì thứ hạng cao trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ.

“Báo cáo này cho thấy khả năng phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ” – ông John Matthews, trưởng bộ phận quản lý tài sản cá nhân và các doanh nghiệp siêu giàu của UBS, bình luận. Đến cuối năm 2018, số tỉ phú Mỹ đã lên tới 749 người.

Trong khi sự phục hồi của thị trường chứng khoán thế giới sau giai đoạn tụt dốc cuối năm 2018 đã giúp nhiều tỉ phú tăng khối tài sản của mình, nhiều gia đình giàu nhất thế giới vẫn lo ngại về sự bất ổn toàn cầu. Trong số này có căng thẳng thương mại, vụ Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), chủ nghĩa dân túy hay biến đổi khí hậu. Điều này khiến họ chuộng tích trữ nhiều tiền mặt.

“Có khả năng tài sản của các tỉ phú sẽ tăng trở lại trong năm 2019” – ông Simon Smiles, trưởng bộ phận đầu tư cho các khách hàng siêu giàu của UBS, đánh giá nhưng cho biết mức tăng có thể sẽ khiêm tốn.