Các dự án chống ngập của TP.HCM đều chậm

Theo đó, TP.HCM đã dành hàng ngàn tỷ đồng xây dựng hệ thống đê bao chống ngập, song người dân vẫn chưa hài lòng khi tình trạng ngập nước vẫn diễn ra khi triều cường hoặc mưa lớn.


Triều cường năm sau cao hơn năm trước

Đợt triều cường cuối tháng 10 vừa qua, khu vực đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) lại tiếp tục chìm trong biển nước. Trước đó, người dân trong khu vực cũng phải bì bõm lội nước đi làm khi thủy triều dâng cao hoặc có mưa to. Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP.HCM, khu vực đường Nguyễn Văn Hưởng là một trong những điểm ngập sâu nhất của thành phố trong đỉnh triều, bởi đây là khu vực nằm gần sông Sài Gòn và là bán đảo nên người dân phải thường xuyên “sống chung” với thủy triều.

Chẳng hạn, đợt triều cường chiều ngày 28/10, nước sông Sài Gòn tràn vào các cống trên đường Nguyễn Văn Hưởng gây ngập nặng, có nơi nước dâng cao hơn nửa mét; hàng trăm ô tô, xe máy chết máy nối đuôi dài cả cây số. Một số đoạn giao nhau giữa đường Nguyễn Văn Hưởng và Quốc Hương, giao thông bị tê liệt hàng giờ, người đi xe máy phải bì bõm lội nước, dắt bộ vì xe chết máy.

Tình trạng “đường biến thành sông” do triều cường dâng cao tại TP.HCM cũng xảy ra ở các quận, huyện như khu vực đường Nguyễn Khoái, Tôn Thất Thuyết (quận 4); Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tất Phát, Lê Văn Lương (quận 7); khu vực bến Phú Định, Mễ Cốc (quận 8)… Đặc biệt, trong chiều tối 29/9, nước triều dâng cao đã khiến một đoạn bờ bao dài khoảng 25m vỡ, gây ngập nhà của hàng trăm hộ dân ở khu vực bến Mễ Cốc (quận 8). Nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực này phải di dời đồ đạc đi nơi khác vì nước tràn vào nhà cao gần một mét.

Cuộc sống người dân bị đảo lộn vì nước triều dâng cao do biến đổi khí hậu tại TP.HCM

Trong khi đó, tại khu vực đường Bình Quới (quận Bình Thạnh), tình trạng đường phố chìm trong biển nước ở đây diễn ra như “cơm bữa”. Nguyên nhân do khu vực này gần sông Sài Gòn, mỗi khi nước triều dâng cao, nước từ sông Sài Gòn lại chảy qua cống và tràn vào nhà dân. Dù biết trước các đợt triều cường nên nhiều hộ dân đã chuẩn bị bao cát, tấm ván che chắn trước nhà ngăn không cho nước tràn qua, nhưng năm nay do nước lên quá nhanh và cao hơn hẳn so với mọi năm nên nhiều nhà vẫn bị ngập.

Chị Ngô Thúy Hải nhà ở đường Bình Quới cho biết, cuối tháng 10 vừa qua, nước triều dâng cao quá cao khiến người dân trở tay không kịp, dù nhà nào cũng làm bờ kè chắn nước từ trước đến sau nhà nhưng vẫn bị ngập. 

“Hàng năm, các hộ trong hẻm lại họp nhau đóng tiền xây bờ kè cao thêm 10cm và hơn 10 năm nay, bờ kè ở khu vực này đã cao hơn một mét nhưng nước triều vẫn tràn vô nhà dân “như cơm bữa”, bởi năm sau triều cường lại cao hơn năm trước một chút, mình cứ nâng cao thì nước triều cũng dâng cao theo”, chị Hải than thở.

Theo những người dân sinh sống ở khu vực Bình Quới, từ đầu năm 2019 đến nay, khi quận Bình Thạnh xây kè cao dọc theo các tuyến cống để ngăn triều cường thì tình trạng ngập do thủy triều có giảm, nhưng khi xuất hiện đợt triều cường dâng cao đợt cuối tháng 9 và cuối tháng 10 vừa qua thì nước sông lại mấp mé bờ kè, thậm chí có hôm nước tràn qua bờ kè xây cao gần một mét.

Một số người dân ở đây cho rằng, chính quyền xây bờ kè ngăn nước chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài phải chờ các công trình chống ngập kiên cố của thành phố đầu tư xây dựng đi vào hoạt động. Ngoài ra, khu vực bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) là vùng thấp so với mặt nước biển, lại nằm trong quy hoạch xây dựng chỉnh trang của thành phố, dự án này bị treo hơn 20 năm chưa triển khai nên đời sống người dân ở khu vực rất khó khăn, đặc biệt vào những đợt triều cường lên cao như tháng 9 – 10 vừa qua.


Cần giải pháp đồng bộ

Theo báo cáo giám sát của HĐND TP.HCM, trong giai đoạn 2016 – 2020, UBND TP.HCM tập trung nhiều vào công tác chống ngập để giảm thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao. Theo kế hoạch đề ra, TP.HCM xác định giải quyết 40 tuyến ngập do mưa, giải quyết 9 tuyến ngập do triều, 179 tuyến hẻm, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 2 nhà máy, nâng cấp công suất 1 nhà máy và khởi công xây dựng 4 nhà máy… 

Mỗi khi nước triều dâng cao, đường Trần Xuân Soạn (quận 7) nước ngập sâu khiến việc lưu thông gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Mạnh Linh

Tuy nhiên, kết quả thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện nay, các dự án chỉ hoàn thành chống ngập do mưa đạt gần 60%, tuyến đường ngập do triều đạt khoảng 55%, xây dựng nhà máy xử lý nước thải đạt hơn 28%…

Đại diện Ban đô thị HĐND TP.HCM cho rằng, kết quả chống ngập của thành phố đáng ghi nhận nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. Đa số các dự án bị chậm tiến độ, một số mục tiêu khó có thể đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Đối với dự án đã hoàn thành hiện vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ngập khiến người dân bức xúc.

Theo đại diện Ban đô thị HĐND TP.HCM, kết quả chống ngập nước do triều cường của thành phố đạt hiệu quả chưa cao chủ yếu là do vướng mắc về bố trí nguồn vốn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; vướng mắc trong xác định pháp lý đất đai… Cụ thể như dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn I có vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng để chống ngập cho khu vực phía Nam thành phố với hơn sáu triệu dân (khu vực các quận 4, 7, 8, hai huyện Bình Chánh, Nhà Bè) nhưng sau gần ba năm triển khai, dự án mới đạt khoảng 75% khối lượng do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là vướng đền bù giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM là thành phố ven biển, có sông rạch chằng chịt, nền đất thấp nên bị ảnh hưởng rất lớn của thủy triều. Đặc biệt, TP.HCM nằm trọn trong lưu vực của 3 con sông lớn là sông Sài Gòn – Đồng Nai – Soài Rạp nên chịu tác động rất lớn từ chế độ tiêu thoát nước của 3 con sông này.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, để chống ngập hiệu quả, trước mắt tại các tuyến đường thường xuyên ngập nước, TP.HCM đã và đang bố trí các trạm bơm kết hợp van ngăn triều như khu vực quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), đường Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), đường Bình Quới (quận Bình Thạnh), Trần Xuân Soạn (quận 7)… Ngoài ra, Thành phố còn đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bị ngập lâu nay như Lê Văn Lương, Huỳnh Tấn Phát (quận 7)… Về lâu dài, Thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh các dự án dẫn dòng; khắc phục nhanh chóng, kịp thời các vị trí hư hỏng làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước hiện hữu, xây dựng phương án ngăn chặn tình trạng tràn bờ tại các khu vực thi công; đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn cho cả lưu vực nhằm sớm đưa dự án chống ngập lớn vào vận hành, khai thác và phát huy hiệu quả thoát nước, chống ngập cho cả khu vực…

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, để chống ngập hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu khiến triều cường dâng cao, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, TP.HCM đang tiến tới thực hiện tổng thể các giải pháp theo quy hoạch đề ra như: đầu tư đồng bộ hệ thống cống thoát nước, cống kiểm soát triều, đê bao, quy hoạch hạ tầng, xây dựng bản đồ số về các điểm ngập, đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước hiệu quả…

“TP.HCM cũng đã chỉ đạo các đơn vị, ban ngành liên quan cần phải tìm nguyên nhân từng điểm ngập nước, từ đó xây dựng kế hoạch xử lý lâu dài. Nghĩa là phải có “nhạc trưởng” thực hiện được đồng bộ quy hoạch, phải thể hiện được bức tranh về công tác chống ngập trước mắt và lâu dài của thành phố. Đây được xem là giải pháp căn cơ và bền vững để thành phố ứng phó với tác động của biển đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp”, ông Nguyễn Thành Phong nói.