Bất động sản TP.HCM: Còn nhiều thách thức

Báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có những công bố không lạc quan về thị trường tại TP.HCM. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2019 chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%. Ngoài ra, không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư, chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018.

Báo cáo của CBRE cho hay, nguồn cung chào bán tại TP.HCM sụt giảm, đạt 21.619 căn, giảm 3% trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, đáng lo ngại đó là, giá đất tăng nhanh khiến chủ đầu tư mới khó gia nhập thị trường, các vấn đề hạ tầng ngày càng ngiêm trọng: ngập lụt, kẹt xe, hạ tầng chậm tiến độ…

Tại Hội thảo “Tiềm năng & cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng nhận định, trong 2 năm gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM đã bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là tình trạng quá thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Ảnh minh họa. 

Trong khi đó, 4 năm qua, đã có nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai. Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, dẫn đến giá nhà đất tăng do “tổng cầu” quá lớn nhưng nguồn cung ít, đem lại lợi nhuận lớn cho một số chủ đầu tư, nhưng lại làm cho khách hàng phải mua nhà giá cao hơn. Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó Tổng Giám đốc Thuduc House cho biết, thị trường bất động sản TP.HCM trong thời gian qua vẫn không có nhiều thay đổi tích cực. Các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn do quy định chồng chéo, khiến cho nguồn cung bất động sản giảm, điều này tạo ra áp lực tăng giá trong thời gian tới.

Theo ông Chinh, phần lớn các dự án đang trong quá trình hoàn thiện, vì vậy, cạnh tranh vẫn là ở các dự án cũ đã đưa vào sử dụng có vị trí đẹp và các dự án mới vừa ra mắt. Lợi thế của những dự án mới là chất lượng, căn hộ nhỏ, phù hợp với túi tiền của người mua.

Bên cạnh đó thì những căn hộ cao cấp cũng thu hút khách hàng người nước ngoài, chuyên gia và giới tài chính khá giả với giá thuê khá cao.

“Đối với thị trường nhà liền thổ, sau rất nhiều sai phạm của các doanh nghiệp bất động sản thời gian qua, khách hàng ngày càng dè dặt, quan tâm chặt chẽ đến tính pháp lý của dự án, nhiều trường hợp phải nhờ đến luật sư trong các giao dịch” – ông Chinh cho hay.

Theo ông Chinh, sai phạm khiến doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc cũng bị ảnh hưởng bởi sự lo lắng của khách hàng. Không những thế, chính quyền địa phương cũng trở nên cẩn trọng hơn trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến thủ tục đất đai, đã tạo ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp, nguồn cung thị trường nhà liền thổ theo đó cũng bị hạn chế.

Mới đây nhất, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM ban hành công văn yêu cầu thắt chặt quản lý việc phân lô tách thửa trên địa bàn thành phố cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường này.

Dù thị trường bất động sản TP.HCM vẫn còn nhiều vướng mắc và điểm nghẽn, song, theo vị lãnh đạo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản TP.HCM về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng.

 “Thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật” – ông Châu khẳng định.