Bất động sản 24h: Sẽ siết việc phân lô, bán nền

Sẽ siết việc phân lô, bán nền

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) cùng thống nhất đề xuất không cho phép phân lô, bán nền tại các phường của khu vực đô thị và khu vực quy hoạch phát triển đô thị. Nhiều chuyên gia cho rằng hoạt động phân lô, bán nền cần phải siết lại để tránh tình trạng đầu cơ, thổi giá đất, phá vỡ quy hoạch đô thị…

Ngày 28/12/2022, Bộ Xây dựng đã trình Bộ Tư pháp bản dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để phục vụ thẩm định. Điểm mới đáng chú ý so với bản dự thảo xin ý kiến hồi tháng 9/2022 là cơ quan chủ trì soạn thảo đã sửa quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở (thường gọi là phân lô, bán nền; hay kinh doanh đất nền) theo hướng quản lý chặt chẽ hơn.

Điều 32 bản dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định các điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở: “Không nằm trong địa bàn các phường của khu vực đô thị và khu vực quy hoạch phát triển đô thị; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị”; “Thuộc khu vực được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở đã được UBND cấp tỉnh công bố”; “Phải đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật theo đúng tiến độ, thiết kế, quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch tổng mặt bằng và nội dung của dự án đã được phê duyệt”.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2023: Cần nhiều hơn các chính sách điều hành hiệu quả

Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2022 đạt mức 8,02%, song nền kinh tế vẫn chưa tiến gần đến mức tăng trưởng trung bình giai đoạn trước Covid-19. Vì vậy, năm 2023, Việt Nam cần nhiều hơn các chính sách điều hành hiệu quả. 

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong cả năm 2022 đạt 8,02%, đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1997 và giúp Việt Nam có thể nằm trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Á. 

Theo đó, động lực tăng trưởng đến từ hầu hết các khu vực kinh tế chính khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, cũng như những yếu tố nền tảng đến từ tiêu dùng nội địa và dòng vốn FDI.

Tuy nhiên, đánh giá về mức tăng trưởng GDP trong cả năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng trưởng cao GDP cả năm 2022 chưa thể là lời khẳng định hoàn toàn về chất lượng tăng trưởng kinh tế. Thực tế, nền kinh tế Việt Nam năm 2021 gần như bị đình trệ do dịch bệnh, đặc biệt là hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM bị giãn cách nhiều ngày. Bước sang năm 2022, dịch bệnh được đẩy lùi, kinh tế phục hồi nhờ một loạt các gói hỗ trợ chính sách và sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp; cùng với đó, kết quả của năm 2022 đang được so sánh với nền tăng trưởng thấp của năm 2021. Chính vì thế, kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2022 cao là lẽ thường tình.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Cần dựa vào nội lực của nền kinh tế để vượt “cơn gió nghịch” trong năm 2023

Năm 2023, chúng ta xoay chuyển như thế nào khi nền kinh tế sẽ có “cơn gió thuận” để vươn lên nhưng cũng có không ít “cơn gió nghịch” đang đón đợi?

Sau đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam năm 2022 tiếp tục đối diện với nhiều biến động khó lường, nhưng qua đó cũng thể hiện khả năng chủ động ứng biến, xoay chuyển tình thế của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Để phát triển ổn định trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải phát linh hoạt trong điều hành để xây dựng một nền kinh tế tự lực, tự cường, giảm lệ thuộc vào các nguồn vốn FDI.

Tại “Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam 2023″ ngày 11/1, ông Nguyễn Minh Cường – Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, quyết định chuyển hướng chống dịch linh hoạt của các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2022 đã tạo ra sự phục hồi về tiêu dùng nhanh chóng. Vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng không mạnh như các khu vực khác, do đó kiểm soát lạm phát tốt hơn. Năm vừa qua, lạm phát đã đạt đến đỉnh và bắt đầu đi xuống, nhưng rủi ro vẫn còn. Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính trầm lặng, phần lớn đồng tiền của các nước trong khu vực có xu hướng mất giá so với USD, trung bình khoảng 10%, đồng Việt Nam cũng chịu tác động nhất định.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà đầu tư bất động sản vẫn giữ tâm lý thận trọng, dè chừng

Khác với sự “nhộn nhịp” của các năm trước, thị trường bất động sản cận Tết Nguyên đán 2023 có phần “đảo chiều” khi nhà đầu tư vẫn rất thận trọng trước những diễn biến có phần ảm đạm của thị trường giai đoạn cuối năm.

Dịp cuối năm thường là thời điểm các nhà đầu tư chọn lựa để mua vào bất động sản, thậm chí tạo ra những phiên “chợ đất” nhộn nhịp. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, suy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng, các nhà đầu tư cá nhân đang thắt chặt hầu bao, cân nhắc kỹ hơn trước khi xuống tiền, kể cả khi giá bất động sản đã có phần sụt giảm so với hồi đầu năm. 

Theo khảo sát của phóng viên, giá đất nền tại khu vực ven Hà Nội như Ba Vì đã giảm khoảng 5%, Thanh Trì giảm khoảng 2%. Đất nền phân lô tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất đầu năm nay có giá bán 22 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay, nhiều người đang rao bán cắt lỗ, giảm giá chỉ còn khoảng 15 triệu đồng/m2.

Là một nhà đầu tư chuyên “săn” đất nền ở vùng ven Hà Nội, anh V.T. Hùng tâm sự, lâu nay, anh và một số người bạn thường “lướt sóng” nhà, đất bằng cách góp vốn đầu tư chung. Nhưng theo anh Bình, cách đầu tư này chỉ phù hợp khi thị trường tăng nóng, còn hiện nay, thị trường bất động sản đang “ngủ đông” nên đầu tư như vậy rất mạo hiểm.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giá nhà đất “ăn theo” cao tốc Bến Lức – Long Thành bị “thổi” lên cả tỷ đồng/sào

Sức nóng từ dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đang thổi vào thị trường bất động sản Long An. Giá nhà đất các khu vực Cần Giuộc, Bến Lức đang có dấu hiệu dậy sóng, đất nông nghiệp bị “thổi” lên cả tỷ đồng/sào, với cơ hội và rủi ro chực chờ nhà đầu tư.

Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành bắt đầu từ nút giao lộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, Long An) và kết thúc tại nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai).

Tuyến đường dự kiến dài 55km, được xem là con đường thương mại triệu đô, giúp các doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa, tận dụng lợi ích từ nhiều hệ thống hạ tầng giao thông đang phát triển tại khu vực.

Xem thông tin chi tiết tại đây

VNREX || ✅ Trang tin Bất Động Sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *