Bất động sản 24h: Nguồn vốn FDI lớn thách thức doanh nghiệp địa ốc

Nguồn vốn FDI lớn thách thức doanh nghiệp địa ốc

Từ đầu năm đến nay, bất động sản tiếp tục là lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Một số chuyên gia nhận định đây là cơ hội tốt nhưng cũng là thách thức đối với các nhà đầu tư trong nước.

Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong 8 tháng năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài cấp mới, điều chỉnh và đầu tư qua góp vốn mua cổ phần vào Việt Nam đạt 22,63 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,31 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tại TP.HCM, số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, trong nửa đầu năm 2019, thành phố có 572 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký đạt 528 triệu USD.

Đồng thời, có thêm 137 lượt dự án với tổng vốn đăng ký thêm 285 triệu USD. Ngoài ra, còn có 2.209 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đạt 2,27 tỷ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ.

Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp FDI vào TP.HCM đạt hơn 3 tỷ USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng đầu về vốn đăng ký với 26 dự án, vốn đạt 225,9 triệu USD, chiếm 42,7% tổng vốn dự án được cấp phép mới.

Ảnh: Internet


Nhà đầu tư nào đang “ôm” nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất?

Trong 8 tháng đầu năm 2019, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tham gia khá tích cực vào thị trường trái phiếu Việt Nam khi mua vào khá nhiều cả trái phiếu Chính phủ (TPCP) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Cụ thể, NĐTNN mua ròng hơn 13 nghìn tỷ đồng TPCP và mua sơ cấp TPDN 10.266 tỷ đồng, tương ứng 8,8% tổng lượng TPDN phát hành.

Trong đó, lớn nhất là lô 300 triệu USD (tương đương khoảng 6,96 nghìn tỷ đồng) trái phiếu quốc tế kỳ hạn 3 năm của VPB phát hành thành công vào 17/7/2019 với lãi suất cố định 6,25%/năm và được niêm yết trên sàn SGX-ST (Singapore).

Các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam (Manulife, AIA và Generali) cũng “ôm” trọn lô 1.150 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII). Trái phiếu CII có lãi suất cố định 7,2%/năm và được bảo lãnh thanh toán bởi GuarantCo Ltd GuarantCo là một công ty bảo lãnh đa quốc gia thuộc PIDG – tổ chức được tài trợ bởi các nước Anh, Úc, Thụy Sỹ, Thụy Điển và Hà Lan.

Một số lô phát hành lớn được NĐTNN mua là 598,8 tỷ đồng của TCH, 456,7 tỷ đồng của DNP, 450 tỷ đồng của KDH, 247 tỷ đồng của Công ty chứng khoán Mirae, 234 tỷ đồng của DXG.

Bít lỗ hổng trục lợi đất “vàng” hậu di dời

Sau vụ cháy kho Rạng Đông, vấn đề di dời các nhà máy ra khỏi nội đô lại nóng trở lại và cấp bách hơn bao giờ hết. Nhưng câu chuyện chính cần bàn, đó là hậu di dời, những khu đất vàng liệu có được sử dụng theo quy hoạch và đúng mục đích, hay lại trở thành “miếng bánh thơm” khiến những “con voi chui lọt lỗ kim”, đất công lại thành “của riêng”.

Những khu đất “vàng” giữa thủ đô sẽ trở thành những vùng đất “chết” khi chỉ để làm… nhà kho. Những nhà kho nằm “chình ình” giữa trung tâm thành phố sẽ làm xấu diện mạo của đô thị, gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống người dân. Sau vụ cháy nhà kho Rạng Đông, các chuyên gia nhận định, các nhà máy, xí nghiệp còn lại trong nội đô sẽ phải cấp thiết di dời ra ngoại thành, trả lại đất “vàng” cho thành phố. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm đầu tiên sau khi di dời là việc xử lý những khu đất “vàng” đó như thế nào?

Cũng bởi nhiều yếu tố, sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông, cùng với mong muốn các nhà máy, xí nghiệp cũ phải được di dời khỏi nội đô, không ít dư luận thể hiện mối quan tâm đến giá trị cũng như mục đích sử dụng với lô “đất vàng” (5,7 ha) do Công ty Rạng Đông đang sở hữu nếu di dời kho xưởng, nhà máy. Nhiều người dân lo ngại, một dự án chung cư cao tầng sẽ “mọc” lên trên khu đất này, tiếp tục gây áp lực lên hạ tầng xung quanh.

“Đề nghị thành phố khi di dời thì phải lấy quỹ đất này để dùng cho khu vui chơi giải trí vườn hoa, cây cảnh để chúng tôi được hưởng lợi tuổi già và cho các cháu có những điểm vui chơi, giải trí có màu xanh hoặc xây trường học cho các cháu”, một cư dân sống tại đường Nguyễn Trãi nêu ý kiến.

Ảnh: Internet


Bình Phước dừng tách thửa đất nông nghiệp do “loạn” phân lô, bán nền

UBND tỉnh Bình Phước vừa ra công văn số 2554 về việc tạm dừng hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp do việc phân lô, bán nền tại diễn biến phức tạp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, việc tách thửa đất nông nghiệp diễn biến ngày càng phức tạp. Một số hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh doanh nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp và tự mở đường, tự phân lô chia tách thửa đất để chuyển nhượng, xây dựng nhà ở không đảm bảo quy hoạch, không đúng quy định của pháp luật.

Bởi vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu các địa phương, Văn phòng Đăng ký đất đai tạm dừng tiếp nhận hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp trong khu vực đô thị, những khu vực chưa là đô thị nhưng đã có quy hoạch phát triển đô thị, điểm quy hoạch dân cư nông thôn và các khu vực đã có quy hoạch là đất ở, kể từ ngày ban hành văn bản này đến khi quyết định quy định hạn mức đất và điều kiện tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước thay thế Quyết định số 39 năm 2008 và Quyết định số 31 năm 2014 của UBND tỉnh Bình Phước có hiệu lực. Đối với các hồ sơ xin tách thửa đã tiếp nhận trước ngày ký công văn số 2554 thì tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành.

“Cú lừa sàn” ngoạn mục của Tập đoàn Sao Mai?

Hiện nay, nhóm cổ phiếu Tập đoàn Sao Mai quản lý đang nằm cách xa mệnh giá khá nhiều. Chẳng hạn AMS và IDI quanh quẩn mức 6.000 đồng/cổ phiếu. Dù DAT ở mức 18.000 đồng/cổ phiếu nhưng rất lâu rồi không có thanh khoản.

Theo dân bám sàn, cổ phiếu của Tập đoàn Sao Mai đang khiến cho nhiều nhà đầu tư kẹp hàng dở khóc dở cười vì lãnh đạo công ty này hiện chưa có nhu cầu “đánh lên”.

Theo báo cáo tài chính mới công bố, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Sao Mai vẫn tương đối ổn định. Trong quý II/2019, lợi nhuận sau thuế của ASM đạt gần 120 tỷ đồng – thấp hơn nhiều so quý trước đó nhưng gấp 3 lần so với quý cuối năm 2018.

Mức lợi nhuận đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi quý thường là những doanh nghiệp phải có quy mô vừa hoặc lớn. Thế nhưng không hiểu sao, giá cổ phiếu ASM chỉ ở mức doanh nghiệp siêu nhỏ có lợi nhuận vài tỷ đồng hoặc là mức giá cổ phiếu của một doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm.

Ở diễn biến cổ phiếu cách xa mệnh giá và trượt sâu, người nhà lãnh đạo ASM cũng liên tục đăng ký mua vào, trong khi nhà đầu tư méo mặt không thoát nổi hàng vì lỗ nặng quá!

Phải chăng lãnh đạo Sao Mai đang hạ màn chơi trên sàn chứng khoán?