Bất động sản 24h: Cung thiếu, cầu tăng, giá nhà đất TP.HCM lập đỉnh mới


Cung thiếu, cầu tăng, giá nhà đất TP.HCM lập đỉnh mới

Sau một quý đặc biệt với hơn 10.000 căn được tung ra thị trường, thời điểm cuối năm, nhà đất tại TP.HCM bình lặng hơn khi chỉ có 5-6 dự án chào bán. Nguồn cung mới giảm mạnh trong khi sức mua thời điểm cận Tết tăng cao khiến giá bán bất động sản tại TP.HCM tiếp tục tăng, có thể xem là mạnh nhất trong 3 quý vừa qua.

Bà Trang Bùi – Giám đốc Thị trường JLL Việt Nam cho biết trong 3 tháng cuối năm, TP.HCM chỉ có thêm khoảng 3.600 căn hộ và chưa đến 150 căn nhà liền thổ đưa vào thị trường. Đây là con số chào bán thấp kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây. Sự suy giảm này chủ yếu vẫn do điểm nghẽn thủ tục pháp lý khiến gần chục dự án vốn có kế hoạch ra hàng cuối năm đành hoãn sang năm 2020 và chưa biết khi nào mới được cấp phép.

Tương tự, phân khúc nhà liền thổ cũng chịu tác động lớn từ công tác cấp phép triển khai. Bên cạnh đó, quỹ đất khan hiếm khiến các dự án nhà liền thổ quy mô ngày càng nhỏ lại, xét duyệt khó khăn hơn. Sự suy giảm nguồn cung khiến giá bán bất động sản tại TP.HCM đang chạm đỉnh mới với mức tăng vượt qua sự dự đoán của nhiều nhà đầu tư.

Cụ thể, theo JLL Việt Nam, giá căn hộ trung bình trên thị trường đạt mức cao kỷ lục, gần 60 triệu/m2 (tương đương 2.900 USD/m2), tăng 78,2% so với cùng kỳ năm 2018 và gần đạt mức 40% so với quý 3 vừa qua.


Gỡ rào cản để bắt kịp xu hướng xanh trên thế giới

Nhận thức của người dân, cơ quan quản lý, cũng như nhiều doanh nghiệp về CTX còn hạn chế; Nhà nước thiếu cơ chế thúc đẩy sự phát triển CTX… là những thách thức cho các doanh nghiệp tiên phong theo xu hướng xanh.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), phát triển bất động sản xanh và thông minh là tất yếu, đi cùng với nhau. Nó phù hợp trong giai đoạn hiện nay để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra rất nhanh và rất nghiêm trọng.

Hiện nay các doanh nghiệp đã chú ý nhiều hơn đến vấn đề dành nhiều không gian cho mảng xanh. Đã qua thời kỳ cách đây 20 – 30 năm trước, đi xin diện tích đất ở tối đa đến 70 – 80%. Phân lô bán nền kiểu dày đặc như thế là người ta không mua. Cho nên các dự án bây giờ, khi duyệt chung cư, các dự án không bao giờ được duyệt quá 38%, còn lại phải làm mảng xanh, đường sá. Đứng về mặt quy hoạch thì đã có sự thay đổi và cái đòi hỏi của người tiêu dùng bây giờ họ không chỉ đi mua một căn nhà mà người ta mua cả một không gian sống.

Trước đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã khuyến nghị các doanh nghiệp phát triển bất động sản đạt các chuẩn về mặt quy hoạch, thiết kế, an toàn… Và hiện nay, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khuyến nghị các doanh nghiệp phát triển dự án vừa thân thiện môi trường vừa thông minh và phải đảm bảo an ninh và an toàn.


Giá chung cư tại Hà Nội: Có nơi tăng 70% sau 4 năm

Tại báo cáo tiêu điểm thị trường bất động sản 2019 và triển vọng 2020, CBRE cho hay, trong năm 2019, thị trường chung cư để bán ở Hà Nội tiếp tục duy trì lượng nguồn cung mới cao với khoảng 36.000 căn mở bán mới. Như vậy, trong giai đoạn 2015 – 2019, trung bình mỗi năm thị trường Hà Nội ghi nhận khoảng 35.000 căn mở bán mới, cao gấp đôi con số trung bình trong giai đoạn 2010 – 2014 là 14.800 căn.

Phân khúc trung cấp liên tục mở rộng từ năm 2014. Tỷ trọng của phân khúc này trong tổng nguồn cung mở bán mới đạt 80% trong năm 2019 từ mức 40% trong giai đoạn 2010 – 2014, khi các sản phẩm bình dân là phổ biến nhất.

Theo nhóm nghiên cứu CBRE, điểm nổi bật trong năm 2019 là sự chiếm lĩnh của các sản phẩm đến từ các khu đô thị, khu đại đô thị như Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City hay Park City. Cụ thể, nguồn cung từ các khu đô thị chiếm đến trên 50% tổng nguồn cung mới.


GDP xây dựng tăng trưởng gấp đôi bất động sản

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt 7,02% – vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6 – 6,8%. Riêng trong quý IV, GDP tăng 6,97%, thấp hơn quý III (7,48%) và 9 tháng đầu năm (7,04%). Trung tâm phân tích SSI cho rằng, sự giảm tốc của quý IV xuất phát từ nông nghiệp và công nghiệp, trong khi xây dựng và dịch vụ đã kéo tăng trưởng chung. Cụ thể, xây dựng đã tăng 10,32% và dịch vụ tăng 8,09% trong quý IV, là mức cao nhất nhiều năm.

GDP xây dựng quý IV tăng cao với mức 10,3%. Là ngành có giá trị lớn thứ 4 trong nền kinh tế nên tăng trưởng của ngành xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng chung. Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Trung tâm phân tích SSI, số liệu từ Tổng cục Thống kê về ngành xây dựng không còn chi tiết nên không thể phân tích sâu hơn về cấu thành tăng trưởng. Tuy nhiên, số liệu tiêu thụ xi măng và sắt thép từ các Hiệp hội lại cho một bức tranh tương phản.

Cụ thể, theo Hiệp hội Thép, sản lượng tiêu thụ thép trong nước 2 tháng đầu quý IV là 3,2 triệu tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng của quý II và quý III là 20% và 8,4%. Còn theo Hiệp hội Xi măng, tiêu thụ xi măng trong nước đã có dấu hiệu chững lại từ nửa cuối năm. Tiêu thụ xi măng cho thị trường nội địa năm 2019 ước tính chỉ tăng 1% so với năm 2018 (năm 2017 và 2018 tăng lần lượt 3% và 9%).


Văn phòng cho thuê Hà Nội: Tỷ lệ trống về mức thấp nhất trong 9 năm

Theo CBRE, năm 2019 vừa qua đã đánh dấu 3 năm liên tiếp thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội có tăng trưởng tích cực. Tính cả năm có 7 dự án mới được đưa vào khai thác, khiến tổng nguồn cung tăng thêm 7%. Và mặc dù nguồn cung tăng khá cao nhưng các dự án, đặc biệt là hạng B vẫn có hoạt động khả quan.

Một số dự án mới khai thác trong quý 4/2019 đều đạt tỷ lệ lấp đầy 80 % vào thời điểm kết thúc 2019.

Với hoạt động tích cực của các dự án mới, diện tích văn phòng trống tại Hà Nội đã giảm xuống mức 120.000m2, tương đương 8,7% – mức thấp nhất kể từ 2011.

Đối với giá thuê, giá thuê trung bình tiếp tục xu hướng tăng trong 2019. Giá thuê của cả hai phân hạng tại thời điểm cuối 2019 tăng trung bình khoảng 3% theo năm. Đến cuối 2019, giá thuê của văn phòng hạng A đạt mức 26,2 USD/m2/tháng, trong khi đó hạng B đạt mức 14,3 USD/m2/tháng, mức giá này chưa bao gồm thuế và phí dịch vụ.

Về nhu cầu, thị trường Hà Nội tiếp tục chứng kiến nguồn cầu mạnh mẽ từ các ngành truyền thống và ngành mới trong 2019. Trong đó, các ngành truyền thống như tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, sản xuất…chiếm khoảng 75% các giao dịch thuê nhờ vào đà tăng trưởng khá mạnh của các lĩnh vực này.