Băn khoăn đánh thuế bất động sản thứ 2

Đề xuất của UBND TP.HCM về thí điểm đánh thuế căn nhà thứ 2 nhận được sự đồng thuận vì phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng cần tính toán kỹ về thời điểm áp dụng cũng như mức thuế phù hợp.

“Chưa đúng lúc”

Ủng hộ quan điểm đánh thuế căn nhà thứ 2 vì về lâu dài phải phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Môi giới bất động sản VN, cho rằng nếu áp dụng phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người mua căn nhà đầu tiên mới công bằng. Bên cạnh đó, theo ông Hoàng, áp dụng ở thời điểm này là chưa phù hợp khi thị trường bất động sản (BĐS) đang đóng băng. Đánh thuế sẽ tạo tâm lý hoang mang, thị trường đã khó càng khó hơn.

“Chưa chắc đánh thuế giá BĐS sẽ giảm đi nên cần cân nhắc mức thuế. Tại nhiều nước, căn nhà thứ 2 trở đi có mức thuế cao hơn một chút để tránh tích trữ, tránh để tiền quá nhiều vào BĐS. Vì vậy đã đánh thuế thì áp dụng trên cả nước chứ không riêng gì TP.HCM”, ông Trần Minh Hoàng nêu ý kiến.

Băn khoăn đánh thuế bất động sản thứ 2 - ảnh 1

Nhiều ý kiến cho rằng đánh thuế căn nhà thứ 2 hiện nay là chưa đúng thời điểm

ĐÌNH SƠN

Tương tự, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc nghiên cứu & phát triển Tập đoàn DKRA, cho rằng cần phải xây dựng lộ trình cụ thể về thời gian thực hiện, có thể là trong thời gian 2 – 3 năm tới ở các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… Đặc biệt, vấn đề về cơ sở dữ liệu để quản lý đối tượng phải đóng thuế cũng cần được xây dựng một cách khoa học, từ đó mới xác định những người đó sở hữu BĐS thứ 2. Muốn làm việc này cần có sự đồng bộ về dữ liệu quản lý đất đai. Cần tham khảo mô hình ở Mỹ hay Trung Quốc quy định mỗi cá nhân được sở hữu bao nhiêu diện tích. Nếu vượt diện tích đó sẽ đánh thuế như thế nào cho hợp lý. Ban đầu có thể đánh thuế ở khu vực trung tâm trước vì những người mua BĐS ở đó là người có điều kiện. Nên áp dụng biểu thuế lũy tiến từ căn thứ 2 trở lên. Ví dụ căn thứ 2 đánh thuế thêm 2%, căn thứ 3 lên 5%, căn thứ 4 lên 10% chẳng hạn.

“Ở Mỹ dù đánh thuế nhưng cũng có nhiều người sở hữu nhiều nhà để cho thuê. Do đó, đánh thuế làm sao phù hợp để hạn chế đầu cơ, để BĐS không bỏ hoang, đưa vào khai thác, nhưng không quá cao để tránh bóp nghẹt thị trường. Bởi thị trường BĐS cũng là một thị trường hàng hóa, nếu can thiệp quá thô bạo sẽ tác động đến hàng chục ngành nghề khác”, ông Thắng lưu ý. Theo ông, để có mức thuế phù hợp, nên so sánh với tỷ suất lợi nhuận cho thuê nhà. Làm sao phải ít hơn so với việc mua nhà đất để cho thuê bởi nhiều người, nhất là những người làm công ăn lương hay những người lớn tuổi về hưu, họ mua nhà để cho thuê nhằm có thêm thu nhập, giúp trang trải cuộc sống. Đặc biệt, cần quy định lộ trình cụ thể về mức sở hữu BĐS và mức thuế phải đóng. Trường hợp nhà có 5 người, mỗi người sở hữu tối ưu được bao nhiêu mét vuông, sau đó mới đánh thuế số diện tích sở hữu thừa ra. Nếu đánh thuế một cách cào bằng sẽ gây ra không công bằng”.

Lo ngại thuế chồng thuế

Dù ủng hộ việc đánh thuế căn nhà thứ 2 trở lên nhưng chuyên gia BĐS Nguyễn Hoàng khẳng định việc đánh thuế này chắc chắn sẽ không ngăn được đầu cơ, bởi hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định đánh thuế sẽ giảm đầu cơ và tỷ lệ giảm đầu cơ là bao nhiêu. Trong khi giá nhà đất cao hiện nay một phần quan trọng là do cung không đủ cầu. Đặc biệt, rất nhiều dự án ở Hà Nội, TP.HCM “đứng hình” do vướng mắc pháp lý khiến thời gian triển khai quá lâu, đẩy chi phí đội lên và tất cả cộng dồn vào giá bán.

Theo chuyên gia này, việc đánh thuế sẽ có thể làm người mua cân nhắc hơn, qua đó cũng có thể phần nào giảm bớt một chút nhu cầu đầu cơ BĐS nhưng mục đích chính của việc này là tăng thêm nguồn thu ngân sách và một phần giúp minh bạch hơn giao dịch BĐS nếu làm nghiêm.

“Việc thu thuế BĐS thứ 2 hiện nay có thể thực hiện vì cơ sở dữ liệu thông tin cư dân như căn cước công dân đã khá phổ biến. Tuy nhiên việc đánh thuế cần phải chuẩn bị xây dựng cho cụ thể, rõ ràng và công bằng giữa các khu vực. Ví dụ nội – ngoại thành, đô thị – nông thôn, nhà đất ở và BĐS dùng để sản xuất kinh doanh. Việc thí điểm riêng tại TP.HCM cũng cần xem xét tính đến vấn đề người dân có 1 căn nhà ở tại TP.HCM nhưng sở hữu 1 BĐS ở tỉnh khác thì tính sao? Phải đặt ra các tình huống, các trường hợp chứ không phải là chỉ tính đến tăng thu cho ngân sách. Phải tính công bằng mọi khía cạnh. Việc đánh thuế căn nhà thứ 2 thì sớm muộn cũng làm, chỉ là hiện nay chưa đúng thời điểm và quan trọng nhất là phải có khung luật đầy đủ”, chuyên gia Nguyễn Hoàng phân tích và nói thêm rằng nếu áp dụng phải đồng bộ nhiều luật liên quan.

Một chuyên gia BĐS khác cũng lo lắng: “Đánh thuế như vậy có xảy ra tình trạng thuế chồng thuế hay không”, bởi hiện nay 1 BĐS đang gánh quá nhiều loại thuế phí như tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế chuyển nhượng BĐS, phí trước bạ… Để xây được căn nhà, các loại vật tư vật liệu cũng đã phải chịu các loại thuế phí. Các chi phí đầu vào này đều được tính vào giá nhà ở. Không những vậy, để có tiền mua căn nhà, người dân đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân; khi mua nhà phải đóng thêm thuế giá trị gia tăng. Do vậy, đánh thuế đối với căn nhà thứ 2 chưa chắc là công cụ hữu hiệu để hạn chế đầu cơ mà chỉ là bài toán tốt để tăng nguồn thu ngân sách. Bởi nếu 1 BĐS mỗi năm có tỷ suất 20% lợi nhuận nhưng đóng thuế 5 hay 10% thì người dân vẫn sẵn sàng xuống tiền để đầu tư, “tích trữ” BĐS.

VNREX || ✅ Trang tin Bất Động Sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *