ASEAN – Điểm sáng của thế giới về tăng trưởng kinh tế

Năm 2022 kỷ niệm dấu mốc đặc biệt đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi tổ chức 10 quốc gia thành viên này tròn 55 tuổi. Đối mặt với hàng loạt thách thức như phục hồi sau đại dịch COVID-19, tác động của cuộc xung đột tại Ukraine và sự cạnh tranh giữa các nước lớn, ASEAN vẫn chứng minh vị thế và sức bật trong thời đại mới, trở thành điểm sáng của thế giới về tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo cập nhật tháng 12 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á trong năm nay đã được nâng lên 5,5% từ mức 5,1%, trong bối cảnh tiêu dùng và du lịch phục hồi mạnh mẽ ở Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Lạm phát tại các nước ASEAN dự kiến ở mức 5,1% trong năm nay, thấp hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới.

“Có thể kể ra một số lý do để Đông Nam Á trở thành điểm sáng kinh tế. Thứ nhất đó là những lợi ích thương mại từ việc các nước dần mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch. Thứ hai là thương mại nội khối ASEAN đang tăng trưởng hơn 30%, giúp giảm bớt một phần sự sụt giảm trong xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc. Thứ ba là việc tái cấu trúc các chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN đã làm tăng vốn FDI đáng kể. Ngoài ra còn có sự điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của các ngân hàng trung ương các nước và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sang khu vực”, ông Brian Lee Shun Rong – Nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Ngân hàng đầu tư Maybank chi nhánh tại Singapore lcho biết

Hiện ASEAN chiếm gần 8% xuất khẩu toàn cầu; khoảng 10% tổng số nguồn vốn FDI thế giới. Quy mô nền kinh tế số dự kiến đạt 194 tỷ USD. Trong năm 2022, ASEAN đã nâng cấp quan hệ với Mỹ và Ấn Độ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Bà Gian Raimondo – Bộ trưởng Thương mại Mỹ bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng có thể cùng ASEAN tăng cường chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là lĩnh vực chúng tôi muốn tập trung chú ý sau đại dịch COVID-19. Chúng tôi mong muốn hợp tác với ASEAN nhằm xây dựng khả năng đàn hồi mạnh mẽ hơn, an ninh hơn cho chuỗi cung ứng”.

ASEAN - Điểm sáng của thế giới về tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

ASEAN đã chứng minh được vị thế và sức bật trong thời đại mới, trở thành điểm sáng của thế giới về tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN – EU, lãnh đạo Liên minh châu Âu cam kết đóng góp 10 tỷ Euro triển khai chiến lược Cửa ngõ toàn cầu. Tuy nhiên, nền kinh tế của nhiều quốc gia ASEAN được dự báo vẫn có thể gặp khó khăn trong năm 2023.

Ông Andrea Coppola – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: “Nền kinh tế sẽ phải đối mặt với những “cơn gió ngược” mạnh vào năm 2023 ở cả bên ngoài và bên trong. Rủi ro bên ngoài bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng, tiếp tục thắt chặt tiền tệ. Dự báo nhiều đối tác thương mại lớn sẽ rơi vào suy thoái. Bên cạnh đó là sự gián đoạn tiếp tục trong chuỗi giá trị toàn cầu”.

Hiện sự chú ý đang đổ dồn về Indonesia – quốc gia giữ vị trí Chủ tịch ASEAN trong năm 2023. Chủ đề được nước này lựa chọn đó là “Các vấn đề của ASEAN: Tâm điểm của tăng trưởng”.

Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, nhiều thể chế tài chính quốc tế cho rằng động lực tăng trưởng của châu Á thời gian tới sẽ dịch chuyển sang ASEAN và Ấn Độ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *