Quảng Nam sẽ có thêm 14 dự án đô thị

Với việc thông qua chủ trương đầu tư 14 dự án đô thị dọc tuyến sông Cổ Cò, tỉnh Quảng Nam đang hiện thực chuỗi đô thị kết nối với TP. Đà Nẵng.

Quảng Nam sẽ có thêm 14 dự án đô thị


Theo UBND tỉnh Quảng Nam, toàn bộ vệt ven biển, ven sông Cổ Cò diện tích 2.700 ha được quy hoạch phát triển đô thị.


Chấp thuận đầu tư 14 dự án đô thị

Tại Kỳ họp lần thứ 15, HĐND tỉnh Quảng Nam đã  thông qua 15 dự án đầu tư phát triển đô thị, khai thác quỹ đất, nhà ở trên địa bàn tỉnh, trong đó có 14 dự án tại đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc.

Thực tế, nhiều chủ đầu tư đã triển khai thực hiện các dự án đô thị tại khu vực này, tuy nhiên, những nút thắt về quy hoạch hay giải phóng mặt bằng khiến mục tiêu hình thành chuỗi đô thị ven sông Cổ Cò kết nối Đà Nẵng với Quảng Nam chưa thành hiện thực.

Việc các nhà đầu tư rót vốn vào dự án nhà ở, bất động sản ở ven sông Cổ Cò là điều dễ hiểu, khi mà dự án khơi thông sông Cổ Cò đang được tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Tỉnh Quảng Nam dành nguồn vốn 1.000 tỷ đồng để khơi thông sông Cổ Cò, theo kế hoạch, tỉnh sẽ đầu tư hoàn thiện hạ tầng hai bên bờ sông và 4 cây cầu nối hai bờ Đông – Tây của sông Cổ Cò.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, toàn bộ vệt ven biển, ven sông Cổ Cò diện tích 2.700 ha được quy hoạch phát triển đô thị. Trung tâm đô thị Điện Dương (Điện Bàn) sẽ hình thành chuỗi resort ven biển và các dự án lớn như Cocobay, Four Seasons…


Siết quản lý

Việc chấp thuận chủ trương đầu tư 14 dự án phát triển đô thị, khai thác quỹ đất, nhà ở dọc sông Cổ Cò được đánh giá là chủ trương kịp thời của chính quyền tỉnh Quảng Nam, bởi đã xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua đất, vì nhiều dự án chưa đủ pháp lý nhưng vẫn bán cho người dân, dẫn đến tình trạng khiếu kiện.

Việc chấp thuận đầu tư 14 Dự án đô thị sẽ góp phần sớm hoàn thành các Dự án tại đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc theo quy hoạch.   

Theo ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam, thực trạng các dự án đầu tư tại đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc đã kéo dài nhiều năm, bị tác động bởi việc thay đổi các chính sách pháp luật và việc biến động thị trường, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, đã gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư. Vì vậy, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 14 dự án đô thị trên sẽ góp phần sớm hoàn thành các dự án tại đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc theo quy hoạch.

Ông Võ Hồng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam khẳng định, khi HĐND tỉnh thông qua nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị cho các dự án, các ngành chức năng của tỉnh sẽ đánh giá năng lực của chủ đầu tư, yêu cầu hoàn chỉnh khớp nối quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án với hồ sơ điều chỉnh quy hoạch phân khu (1/2.000) các giai đoạn I, II, III tại Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc. Các dự án sau đó sẽ có quyết định giao đất trên thực địa, phạm vi ranh giới, hệ thống hạ tầng giao thông, thoát nước mưa, nước thải, khớp nối hạ tầng kỹ thuật.

“HĐND tỉnh sẽ theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện, quá trình huy động vốn; quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, chuyển nhượng dự án trái phép”, ông Võ Hồng nói.