Băn khoăn câu chuyện bỏ quỹ bảo trì đường bộ


Mới đây, tại phiên họp thứ 36, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bãi bỏ ngay Quỹ BTĐB. Đề nghị này đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân.

Tổng kết sau 5 năm hoạt động, Quỹ BTĐB đã thu được hơn 43.000 tỷ đồng. Trong số tiền trên nguồn thu trong dân đạt gần 6.000 tỷ đồng/năm, đã có khoảng 10.000 tỷ đồng cấp về cho các địa phương và hơn 30.000 tỷ đồng giao cho Tổng cục Đường bộ. Chỉ trong quý I/2019 đã thu được trên 2.000 tỷ đồng.

Trong đợt thanh tra vào tháng 6/2019 của Bộ Tài chính về hoạt động của Quỹ BTĐB tại Văn phòng Quỹ BTĐB trung ương và 9 quỹ BTĐB địa phương đã kiến nghị xử lý tài chính số tiền 2.014.598.007 đồng do lập dự toán công trình BTĐB tăng không đúng về định mức, khối lượng, đơn giá nhân công, giá xăng dầu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, cũng theo một báo cáo của Văn phòng Quỹ, phí BTĐB đã được chi cho duy tu, bảo dưỡng các con đường trên toàn quốc và cũng chỉ đáp ứng được khoảng 44% nhu cầu.

Nói như thế tưởng chừng đã rõ và khó ai thắc mắc được gì. Thế nhưng điều khiến dư luận băn khoăn là vì sao nguồn thu do dân đóng góp lớn như vậy lại phải gánh thêm phí BOT? 44% này nằm ở những tuyến đường nào, có giảm được gánh nặng phí BOT cho người dân và qua đó gián tiếp giảm sức ì cho sự phát triển của nền kinh tế?

Theo đó, việc người dân, doanh nghiệp vừa phải đóng phí BTĐB vừa phải đóng phí BOT thì có sự bất hợp lý. 88 trạm thu phí BOT chặn cứng các tuyến quốc lộ là bằng chứng. Quanh TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai – khu trọng điểm kinh tế phía Nam – bị vây bởi hơn 10 trạm thu phí. Các thành phố lớn của miền Trung, Đồng bằng Sông Cửu Long…, trạm thu phí cũng dày đặc và đây cũng là nguyên nhân nhiều doanh nghiệp và cánh tài xế quyết liệt phản ứng trong thời gian qua.

Chi tiết hơn, từ TP.HCM đi Phan Thiết người dân đã đóng phí BTĐB nhưng phải đóng phí 4 trạm BOT. Hoặc từ Hà Nội đi Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình… có đến mấy trạm BOT chồng lên nhau. Chỉ trong 100km họ phải trả phí BOT mấy lần. Số tiền BOT gần bằng chi phí xăng dầu thì người dân sao không bức xúc.

Một câu hỏi được đặt ra từ lâu đó là: Tại sao đã đóng phí BTĐB người dân còn phải gánh phí BOT? Mập mờ ở chỗ, các cơ quan có trách nhiệm liên quan của Bộ Giao thông Vận tải luôn viện lý do quỹ BTĐB quá ít để khỏa lấp. 

Qua đó để thấy rằng vẫn tồn tại sự quản lý lỏng lẻo của cả một hệ thống quản lý quỹ từ trung ương tới địa phương, mà đây lại là số tiền được thu trực tiếp của người dân dưới hình thức bắt buộc.

Có thể nói, mọi khoản chi từ ngân sách cho các công trình hạ tầng cơ sở, phúc lợi dân sinh; trong đó có cả việc mở rộng, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đường bộ đều từ tiền thuế của người dân, kể cả những dự án BOT có vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng thì người dân cũng phải đóng phí. Vì thế, việc sử dụng tiền thuế và các khoản phí đó sao cho hiệu quả, tránh tham nhũng, thất thoát là cách tốt nhất để giảm gánh nặng cho người dân.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá hệ thống pháp luật về hình thành, quản lý, sử dụng các quỹ phức tạp, chưa thống nhất, thiếu minh bạch, rõ ràng, không phù hợp với yêu cầu quản lý thực tiễn. 

“Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 đã có quy định nhưng rất chung chung, chưa có cơ quan nào thống nhất quản lý các quỹ và có quá nhiều quỹ làm phân tán nguồn lực nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Từ câu chuyện này cho thấy còn không ít lỗ hổng trong công tác thu phí, lệ phí. Do vậy, đòi hỏi các cơ quan hữu trách, từ trung ương đến địa phương cần rà soát các loại phí và lệ phí (kể cả trong danh mục theo quy định cũng như ngoài danh mục) để bãi bỏ những khoản đóng góp không hợp lý, thậm chí còn có chuyện phí chồng phí, gây khó khăn cho người dân.

Như vậy, những bất hợp lý liên quan đến quỹ BTĐB dường như ai cũng đã tỏ tường, nhưng câu hỏi lớn được người dân quan tâm đặt ra là: Xóa bỏ tên gọi để chuyển qua một hình thức quản lý khác hay là xóa luôn phí BTĐB?