Cuộc khủng hoảng của hàng không Việt từ đường bay vàng Đông Bắc Á

Chia sẻ về ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines, ông Minh đã phải dùng tới từ “khủng hoảng”.

Theo vị này, lượng khách trên toàn mạng đường bay của Vietnam Airlines và cả trong Vietnam Airlines Group suy giảm trầm trọng.

Lượng khách đi nước ngoài từ Việt Nam so với cùng kỳ giảm 50%, khách đi trong nước cũng giảm gần 50%. Đáng chú ý, các khu vực thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong, Macau giảm 80-100%.

Mỏ vàng doanh thu một thời

Ngoài những đường bay nội địa, thị trường Đông Bắc Á luôn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam.

Báo cáo thường niên năm 2017 của Vietnam Airlines cho biết hãng thu

17.856 tỷ đồng

mỗi năm từ thị trường Đông Bắc Á. Đây là thị trường quốc tế mang lại doanh thu lớn nhất cho hãng, bỏ xa các nhóm thị trường khác bao gồm châu Âu hay Đông Nam Á và chỉ đứng sau thị trường nội địa.

Cụ thể, trong khi Vietnam Airlines thu

17.800 tỷ đồng

từ nhóm thị trường Đông Bắc Á, hãng chỉ thu được

6.600 tỷ đồng

từ thị trường châu Âu và

3.200 tỷ đồng

từ thị trường Đông Nam Á.

Không chỉ là thị trường lớn với hàng không thông thường, Đông Bắc Á còn là khu vực quan trọng với hàng không bán chuyến (bay charter). Vietnam Airlines khẳng định trong năm 2017 thị trường thuê chuyến đạt 2,74 triệu lượt, tăng 53% so với cùng kỳ và tăng trưởng thị trường chủ yếu tập trung ở khu vực Đông Bắc Á.

Khu vực này cũng là mỏ vàng của Vietjet Air khi hãng có đường bay đến rất nhiều điểm đến tại Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là thị trường có dung lượng lớn, tầm bay thích hợp với dòng máy bay Airbus A320 mà Vietjet Air đang biên chế.

Cuoc khung hoang cua hang khong Viet tu duong bay vang Dong Bac A hinh anh 1 DSC_0876.jpg

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh dùng từ “khủng hoảng” để nói về Covid-19 với ngành hàng không Việt. Ảnh:

Hoàng Hà.

Tạm mất thị trường Trung Quốc

Tuy nhiên, nguồn thu quan trọng trên của hàng không Việt đã bị dịch Covid-19 làm tê liệt. Từ ngày 1/2, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Cục Hàng không buộc phải thông báo hủy toàn bộ phép bay đã cấp và tạm dừng cấp phép các chuyến bay mới cho các hãng hàng không Việt Nam và hãng hàng không nước ngoài khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo số liệu từ

Cục Hàng không Việt Nam

, trước khi dịch Covid-19 nổ ra, có tới 14 hãng hàng không khai thác thị trường bay Việt Nam – Trung Quốc, bao gồm 11 hãng hàng không Trung Quốc và 3 hãng hàng không Việt.

Trong đó, nhóm hãng Trung Quốc có tổng tần suất đạt 240 chuyến/chiều/tuần. Ba hãng bay Việt là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific Airlines khai thác 72 đường bay nối 5 tỉnh thành của Việt Nam với 48 điểm đến tại Trung Quốc, tổng tần suất đạt 276 chuyến/chiều/tuần dạng thường lệ và 145 chuyến/chiều/tuần dạng không thường lệ.

Sản lượng vận chuyển của các hãng đạt 7,57 triệu khách, tăng trưởng 16% so với năm 2019 cùng tỷ lệ lấp đầy lên tới 83%.

Riêng với các hãng bay Việt, năm 2019 thị trường Trung Quốc mang về 4,6 triệu lượt khách, tăng trưởng 9% so với năm 2018, tỷ lệ lấp đầy ở mức 86,6%.

Thị trường hàng không Việt Nam – Trung Quốc chiếm tới 18,1% thị trường quốc tế của hàng không Việt và đối với các hãng hàng không, thị trường này chiếm tới 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế.

Báo cáo của các hãng hàng không gửi cơ quan chức năng cho hay thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay Trung Quốc tính tới 10/2 là hơn

10.000 tỷ đồng

. Trong giai đoạn 1-7/2, tức 1 tuần sau khi dừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, tổng sản lượng khách của hàng không Việt đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so với cùng kỳ 2019, trong đó thị trường quốc tế giảm 14,1%.

Cũng theo

Cục Hàng không

, việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc cũng khiến các hãng hàng không Việt mất doanh thu của trung bình 400.000 khách/tháng và một lượng không nhỏ doanh thu từ nguồn khách này trên các đường bay nội địa.

Đường bay Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan suy yếu

Khẳng định lượng khách Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong, Macau giảm 80-100% của chủ tịch Vietnam Airlines có thể lượng hóa qua số chuyến bay giữa Hà Nội, TP.HCM và những điểm đến này.

Theo số liệu của

Planespotter,

tháng 9/2019, sân bay Nội Bài và sân bay Incheon (Seoul, Hàn Quốc) có 108 chuyến bay qua lại mỗi tuần. Hiện con số này giữa hai sân bay chỉ còn 96 chuyến/tuần.

Tương tự là thị trường Hong Kong, sụt giảm từ 66 chuyến/tuần xuống chỉ còn 53 chuyến/tuần đi và đến Nội Bài.

Cuoc khung hoang cua hang khong Viet tu duong bay vang Dong Bac A hinh anh 2 DSC_0575_zing.jpg

Dịch Covid-19 đang đặt hàng không Việt vào tình thế còn khó khăn hơn thời điểm dịch SARS bùng phát. Ảnh:

Hoàng Hà.

Với Tân Sơn Nhất, lượng chuyến ba qua lại mỗi tuần với sân bay Incheon giảm từ 96 xuống 92 chuyến so với tháng 9/2019. Sân bay Đà Nẵng hiện cũng chỉ đón 147 chuyến bay từ Incheon, 38 chuyến từ sân bay Busan và 40 chuyến từ Đài Bắc.

Đó là chưa nói việc tỷ lệ lấp đầy của các chuyến bay không còn như trước.

Thông tấn quốc tế đưa tin riêng việc ngừng bay Trung Quốc đã khiến Vietnam Airlines đang “hụt”

250 tỷ đồng

doanh thu mỗi tuần.

Chủ tịch Vietnam Airlines cho hay lãnh đạo tổng công ty đã có nhiều buổi làm việc, đang hoàn tất để trình các định hướng lớn cho thời kỳ khủng hoảng trong 3-4 tháng tới đây.

“Khủng hoảng sẽ kéo dài, có thể đến hết tháng 5, hy vọng là thế. Với tình huống này, việc cắt giảm quy mô sản xuất, nhất là quy mô sản xuất lớn thì chúng ta phải triển khai. Cùng với đó là tái cấu trúc lại trong thời gian ngắn”, Chủ tịch Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhấn mạnh.

Cục Hàng không cũng đưa ra nhiều kịch bản liên quan đến thời điểm dịch cúm Covid-19 được kiểm soát.

Theo đó nếu dịch được kiểm soát trong tháng 4/2020, lượng khách thông quan tại các cảng hàng không trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 119 triệu lượt (giảm 2,1% so với năm 2019).

Nếu đến tháng 6/2020 kiểm soát được dịch, lượng khách sẽ chỉ đạt khoảng 111,6 triệu lượt (giảm 4,2%).

Nếu đến tháng 8/2020 kiểm soát được dịch, lượng khách thông quan sẽ chỉ còn khoảng 98,5 triệu lượt (giảm 15,5%).