Thanh khoản, lãi vay bóp nghẹt doanh nghiệp bất động sản

Thanh khoản, lãi vay bóp nghẹt doanh nghiệp bất động sản
Thanh khoản, lãi vay bóp nghẹt doanh nghiệp bất động sản
Thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh Cao Nguyên.

Hàng loạt khó khăn

Thời gian qua, nguồn nguồn cung và sức cầu thị trường giảm khiến doanh nghiệp bất động sản phải đối diện với nhiều khó khăn. Ông Phạm Lâm – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DKRA Group – cho rằng, thanh khoản trên thị trường bất động sản chỉ bằng 15-20% so với cùng kỳ ở hầu hết các phân khúc.

Đồng thời, thực trạng tắc nghẽn dòng vốn do kiểm soát tín dụng vào bất động sản và tồn đọng những vướng mắc pháp lý, cấp phép dự án chưa được giải quyết, đang là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

Ông Lâm cũng cho rằng, động thái tăng cường thanh tra các dự án và các chủ đầu tư và lãi suất cho vay liên tục leo thang (12-15%) làm gia tăng áp lực lên chủ đầu tư và khách hàng vay.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế có nhiều biến động, chứng khoán sụt giảm, giá vàng, tỉ giá ngoại tệ biến động mạnh đang tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

Cũng theo ông Lâm, trước hàng loạt thách thức nêu trên, doanh nghiệp bất động sản đã và đang diễn ra những cuộc sàng lọc tất yếu và khốc liệt hơn thời điểm bùng phát dịch COVID-19 (2020-2021).

“11 tháng đầu năm 2022, có 1.081 doanh nghiệp giải thể, tăng 43,9% cùng kỳ; 2.378 doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn”, số liệu DKRA Group cho thấy.

Với khó khăn cụ thể của doanh nghiệp bất động sản, ông Lâm cho rằng, sức cầu thị trường giảm mạnh, trong tháng 11.2022, lượng tiêu thụ chỉ phố biến đạt từ 33-58% trên nguồn cung mới mở, bán ra thị trường ở hầu hết các phân khúc.

Bên cạnh đó, thời gian đáo hạn, mua lại trước hạn trái phiếu, gánh nặng chi phí vận hành, công nợ chủ đầu tư cũng là những khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải. 

Vẫn cần giảm thuế, giãn thuế

Về giải pháp, CEO DKRA Group Phạm Lâm cho rằng, doanh nghiệp cần tối ưu phí vận hành, cắt giảm nhân sự hiện hữu. Đối với doanh nghiệp có trái phiếu cần chủ động phương án trả nợ các lô trái phiếu sắp đáo hạn.

Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm nguồn vốn quỹ đầu tư ngoại. Đặc biệt, việc cơ cấu lại danh mục tài sản, doanh mục đầu tư trong mỗi doanh nghiệp cần được thực hiện…

 
 Muốn dự án bất động sản phát triển có thể giảm thuế, tạo cơ chế chính sách. Ảnh Cao Nguyên.

Trong khi đó, chia sẻ với PV, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Phương Đông – cho rằng, thị trường bất động sản thời gian qua phát triển nhanh, hấp thụ dòng vốn lớn và lệch pha cung cầu. Đồng thời, việc phát triển các mô hình đô thị lõi, vệ tinh chưa phù hợp, dẫn đến sự kỳ vọng tăng giá cao.

“Thông qua chỉ đạo của Thủ tướng, bộ ngành, địa phương cần đưa phương án hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.

Trao đổi về vấn đề này, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề giãn thuế và giảm thuế là yêu cầu của tất cả các nền kinh tế, có thể để giúp các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.

Ông Hiếu cho rằng, Chính phủ có thể cân đối với việc giãn thuế, giảm thuế, hài hòa lợi ích với doanh nghiệp. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng, quyết định tới mục tiêu ổn định, duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *